Thông qua Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội

- Thứ Năm, 08/04/2021, 17:45 - Chia sẻ
Cũng trong chiều 8.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội, với 438/442 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành (tương đương 91,25% tổng số đại biểu Quốc hội).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Theo Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội gồm Chủ tịch HĐND, 2 Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Tại Ban của HĐND thành phố Hà Nội sẽ có Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ban của HĐND thành phố có 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách.

Theo Nghị quyết này, việc thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội được thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt thời gian thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày Quốc hội biểu quyết thông qua.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết

Trước đó, tại phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội về Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội đã có một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn vị trí pháp lý, cơ chế làm việc của Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND trong dự thảo Nghị quyết. Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, địa vị pháp lý của đại biểu HĐND đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đại biểu hoạt động chuyên trách chỉ khác với đại biểu hoạt động không chuyên trách về tính chất, thời gian hoạt động là dành 100% thời gian cho hoạt động đại biểu. Chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND thành phố trực thuộc Trung ương tuy chưa được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng đã được ghi nhận tại Nghị quyết số 131của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Do vậy, việc dự thảo Nghị quyết quy định mỗi Ban của HĐND thành phố Hà Nội có 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách là phù hợp và đã thể hiện rõ vị trí, tính chất hoạt động của chức danh này trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Chính phủ và yêu cầu của thực tiễn, HĐND Thành phố Hà Nội có trách nhiệm quy định cụ thể việc phân côngnhiệm vụ và cơ chế làm việc của các chức danh đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại Thường trực HĐND và các Ban của HĐND thành phố. Với các lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định cụ thể về cơ chế làm việc của chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND trong dự thảo Nghị quyết.

Về chế độ, chính sách đối với đại biểu HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trước mắt, trong khi chưa thực hiện chế độ tiền lương mới và HĐND thành phố Hà Nội được giao thực hiện thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách nên đề nghị quy định trong dự thảo Nghị quyết theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác đối với chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND thành phố Hà Nội (có thể như chế độ áp dụng đối với Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND TP Hồ Chí Minh ), bảo đảm cân đối, đồng bộ với các chức danh hoạt động chuyên trách khác của HĐND thành phố và trong khả năng cân đối ngân sách chi cho hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội.

Thanh Hải