Để vừa bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, vừa thể hiện sự nghiêm minh trong hoạt động xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định: “Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.” (Điểm d, Khoản 1, Điều 94).
Đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng giao trách nhiệm Bộ Xây dựng, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành tiêu chí về các mô hình này được quy định tại Khoản 2, Điều 162: “Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về xây dựng; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng, văn bản hướng dẫn kỹ thuật xây dựng theo thẩm quyền và tiêu chí về công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, đô thị sinh thái, đô thị thông minh.”
Về thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Luật đã bổ sung vào Điểm d, Khoản 3, Điều 56 về cơ chế một cửa liên thông, tích hợp nội dung thẩm định về phòng cháy và chữa cháy vào nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Theo đó, “Đối với dự án phải thực hiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này, chủ đầu tư được trình hồ sơ đồng thời đến cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kết quả thực hiện yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường quy định ở điểm c khoản này được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ sở kết luận thẩm định.
Đối với thủ tục xin ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của hồ sơ thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, chủ đầu tư được gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo cơ chế một cửa liên thông. Cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lấy ý kiến làm cơ sở kết luận thẩm định.