Thông qua hiến pháp bằng trưng cầu dân ý: Để ý chí của người dân thực sự được phản ánh

Minh Thy 07/10/2011 07:04

Trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp trong các cách thức thông qua hiến pháp được áp dụng tương đối phổ biến hiện nay ở các nước trên thế giới. Theo phương thức này, cử tri trực tiếp quyết định đồng ý hay không đồng ý đối với đạo luật cơ bản và tối cao đất nước. Có thể khẳng định rằng, về nguyên tắc, trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ nhất trong tất cả các hình thức lập hiến trên thế giới. Do vậy, con đường này đã và đang trở thành xu hướng lập hiến trên thế giới.

Hạn chế lớn nhất của trưng cầu ý dân là nhân dân chỉ có một lựa chọn “đồng ý” hay “không đồng ý” với toàn bộ nội dung của Hiến pháp, không có khả năng bày tỏ chính kiến của mình đối với từng nội dung, từng điều quy định của Hiến pháp và không phải mọi cử tri đều có thể hiểu thấu đáo được tất cả các quy định của Hiến pháp liên quan đến tổ chức quyền lực nhà nước, các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cũng như các lĩnh vực của đời sống. Vì vậy, để hình thức thông qua Hiến pháp bằng trưng cầu ý dân thực sự phản ánh ý chí của người dân, cần kèm theo một số điều kiện.

Cử tri Kenya xếp hàng chờ đến lượt bỏ phiếu trưng cầu dân ý về Hiến pháp Nguồn: AP
Cử tri Kenya xếp hàng chờ đến lượt bỏ phiếu trưng cầu dân ý về Hiến pháp
Nguồn: AP

Thứ nhất, cơ quan có sáng quyền lập hiến (xây dựng và thông qua trước Dự thảo hiến pháp để đưa ra trưng cầu nhân dân quyết định) phải được thành lập một cách thực sự dân chủ, các thành viên phải bao gồm những người đại diện cho cho lợi ích chung của đất nước, của các tầng lớp nhân dân. Cơ quan này có thể là Hội nghị lập hiến, Quốc hội lập hiến hay Quốc hội lập pháp được giao quyền này. Giúp cho việc soạn thảo hiến pháp của cơ quan này có thể là Ủy ban hay Ban soạn thảo Dự án Hiến pháp.

Thứ hai, dự thảo hiến pháp phải được công bố trong khoảng thời gian đủ dài để thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, kiến nghị một cách dân chủ, công khai. Các ý kiến thảo luận, góp ý phải được tổng hợp đầy đủ, phải giải trình những ý kiến, kiến nghị đã được tiếp thu để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo hiến pháp, những ý kiến không tiếp thu…

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền xây dựng và thông qua bản dự thảo hiến pháp để đưa ra trưng cầu ý dân phải thảo luận kỹ nội dung từng điều, từng chương của Dự thảo, phải được đa số tăng cường (2/3 trở lên) các thành viên tán thành.

Cuối cùng, các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội, các đoàn thể... đại diện cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân và nhất là các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh, truyền hình...) đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, giải thích và tuyên truyền dự án hiến pháp để cử tri quyết định “đồng ý” hay “không đồng ý” đối với Hiến pháp. Vì vậy, điều kiện quan trọng nhất của trưng cầu ý dân thật sự dân chủ chỉ có được trong điều kiện chính trị - xã hội ổn định, không bị chịu sức ép hay khống chế của bất cứ thế lực nào trong xã hội.

Trưng cầu ý dân về cơ bản được coi là phương pháp lập hiến dân chủ nhất và do đó được sử dụng một cách rộng rãi, với những thủ tục chặt chẽ. Tuy nhiên, không thể nói một cách đơn giản rằng, mọi cuộc trưng cầu ý dân đều đóng được vai trò đó và bản thân thủ tục trưng cầu ý dân cũng có mặt hạn chế cố hữu của nó.  Nếu không có được những điều kiện trên thì Hiến pháp được thông qua bằng trưng cầu ý dân chỉ là dân chủ hình thức.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thông qua hiến pháp bằng trưng cầu dân ý: Để ý chí của người dân thực sự được phản ánh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO