Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được thực hiện nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, nhân dân hạnh phúc, kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Quốc hội cũng đề ra chỉ tiêu hàng năm, đó là giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy. Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá. Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.
Hàng năm, số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%.
Trên 80% số trạm y tế cấp xã trên toàn quốc và 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.
Để thực hiện mục tiêu tổng quát, cũng như các chỉ tiêu hàng năm đã đề ra, tại Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị tổng vốn thực hiện Chương trình tối thiểu là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương tối thiểu là 17.725,657 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 4.674,537 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác tối thiểu 50 tỷ đồng.
Tại Nghị quyết này, Quốc hội cũng quy định rõ nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình. Theo đó, những địa phương tự cân đối ngân sách sẽ tự bảo đảm kinh phí để thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương; ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách, đang nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình. Đồng thời, nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cũng sẽ tập trung cho phòng, chống ma túy ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, các nhiệm vụ cấp bách của Chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Quốc hội giao Chính phủ 2 năm một lần sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình; năm 2030, tổng kết việc thực hiện Chương trình, đồng thời nghiên cứu, đề xuất Chương trình cho giai đoạn tiếp theo.