Thống nhất và linh hoạt

- Thứ Ba, 05/10/2021, 05:57 - Chia sẻ
"Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau, để có đầy đủ thông tin, cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng hướng dẫn". Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xung quanh việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Dự thảo hướng dẫn đang được Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, căn cứ trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới; kinh nghiệm và lộ trình mở cửa của gần 40 nước cũng như thực tiễn, quy định phòng, chống dịch tại Việt Nam và tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp. Đây là văn bản hết sức quan trọng, quy định việc đánh giá cấp độ dịch cùng các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, dựa trên 5 chỉ số quan trọng.

Trong đó, 3 tiêu chí bắt buộc như tỉnh/thành phố phải có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, riêng địa phương ở cấp độ 4 phải bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch; có ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Hai tiêu chí còn lại là số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19. Dựa vào các chỉ tiêu đạt được, sẽ đối chiếu và có đánh giá cụ thể theo các mức cấp độ nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quyết định phạm vi "mở cửa" của từng địa phương.

Tất nhiên cho tới thời điểm này, vẫn còn không ít băn khoăn về tính khả thi của dự thảo cũng như nội hàm "thích ứng", "sống chung" với dịch hay tiêu chí đánh giá các cấp độ nguy cơ, song, đây mới là hướng dẫn tạm thời và việc xây dựng dự thảo đang được tiến hành thận trọng trên cơ sở tham vấn ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Suy cho cùng, các tiêu chí trong dự thảo về cơ bản là đúng hướng nhưng cần được điều chỉnh và áp dụng linh hoạt phù hợp với từng địa phương. Đơn cử như chỉ tiêu về vaccine cần xem xét có lộ trình phù hợp vì liên quan tới nguồn cung và phân bổ vaccine; chỉ tiêu về ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần cũng cần đánh giá cụ thể vì chỉ số này có thể phù hợp với các địa phương dịch chưa bùng phát nhưng khó đạt với những địa phương mà biến chủng Delta đã xâm nhập sâu vào cộng đồng… 

Nói như nhiều chuyên gia, đây chỉ là hướng dẫn khung, trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương sẽ tự đánh giá mức độ dịch tại cấp xã hoặc quy mô nhỏ hơn như thôn, xóm, tổ đội, khóm, ấp… mà không đánh giá tại cấp huyện, tỉnh để giảm thiểu phạm vi chịu tác động, bảo đảm tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế, xã hội. Nhằm bảo đảm tính thống nhất khi áp dụng hướng dẫn, song song với việc điều chỉnh linh hoạt ở từng địa phương, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương; nêu cao vai trò quản lý, giám sát của Bộ Y tế khi hướng dẫn chính thức được ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo điều kiện để các địa phương triển khai hiệu quả hướng dẫn chung này; từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch Covid-19. 

Đơn cử như để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên theo lộ trình (tối thiểu 80% người trên 65 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 áp dụng trong tháng 10.2021; tối thiểu 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 áp dụng từ tháng 11.2021), cùng với việc thực hiện chiến lược ngoại giao, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, phân bổ vaccine hợp lý cho từng địa phương; phải có cơ chế giám sát, bảo đảm việc tiêm vaccine cho đúng đối tượng ưu tiên.

Song song với đó, có cơ chế khuyến khích Bộ Y tế và các địa phương chủ động trong hợp tác y tế, điều phối nguồn lực về chuyên môn, y bác sĩ, hạ tầng y tế… để tối ưu hóa các nguồn lực. Mặt khác, việc thu thập dữ liệu và giám sát tình hình dịch bệnh, sự xuất hiện các biến chủng mới của virus (nếu có) cũng cần được chú trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ lây nhiễm, số ca nhập viện và tử vong.

Đỗ Quyên