Hỗ trợ trẻ mồ côi do Covid-19: Thống kê đầy đủ, điều phối hợp lý

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 10:33 - Chia sẻ
“Chúng tôi đang lo là không điều phối được các nguồn lực hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 để bảo đảm công bằng, hiệu quả, tránh trường hợp khó khăn ít được hỗ trợ nhiều, trong khi trường hợp khó khăn nhiều lại được hỗ trợ ít” - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đặng Hoa Nam chia sẻ.

Chính sách hỗ trợ kịp thời

Theo số liệu báo cáo của các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 15.10.2021, cả nước có 2.352 trẻ em bị mồ côi do cha mẹ tử vong vì Covid-19, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh (1.584 trẻ) và một số tỉnh phía Nam (Bình Dương 233 em, Đồng Nai 121 em, Long An 85 em, Đồng Tháp 72 em, Tiền Giang 51 em, An Giang 35 em). Trong số đó, 73 em mồ côi cả cha và mẹ. Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, con số trên vẫn đang thay đổi và được cập nhật thường xuyên, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Rất may là số trẻ mồ côi này đang sống cùng cha hoặc mẹ hoặc ông, bà hoặc người thân thích khác.

Ngoài các chính sách chung của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68, Quyết định số 23), chính sách đối với trẻ mồ côi quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH ngày 8.9.2021 nhằm kịp thời hỗ trợ trẻ em ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có trẻ mồ côi. Đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,78 tỷ đồng cho 1.556 trẻ mất cha/mẹ do Covid-19, với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/trẻ.

Đại diện MTTQVN TP Hồ Chí Minh tặng quà cho trẻ mồ côi do Covid-19
Đại diện MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tặng quà cho trẻ mồ côi do Covid-19

Thời gian qua, nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân cũng đã vào cuộc, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ mồ côi do Covid-19 theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động chương trình “Nối vòng tay thương”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo, hỗ trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 cho đến năm các em đủ 18 tuổi. Sự hỗ trợ bao gồm tài chính, giáo dục, sức khỏe, tinh thần để các em sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, bảo đảm các điều kiện để các em phát triển toàn diện và trở thành người có ích trong xã hội. Ngoài ra, mỗi cơ sở Đoàn có học sinh mồ côi sẽ khởi động chương trình “Em nuôi của Đoàn”, nhận đỡ đầu về tinh thần, kêu gọi đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện trên địa bàn hỗ trợ, đồng hành với các em trong cuộc sống.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trước mắt tập trung vào đối tượng trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng…

Nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ mồ côi do Covid-19 (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu); hoặc chủ động hỗ trợ trẻ mồ côi từ nguồn của địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/trẻ, Đồng Nai hỗ trợ 12 triệu đồng/trẻ).

Có giải pháp lâu dài, hiệu quả

Hầu hết trẻ trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 hiện đều đã nhận được sự hỗ trợ, có em được hỗ trợ tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn nhất hiện nay là điều phối các nguồn lực hợp lý và có giải pháp hỗ trợ lâu dài đến khi các em đủ 18 tuổi. “Do chúng ta thiếu hệ thống dữ liệu dùng chung nên hiện nay mỗi ngành một số liệu khác nhau, dẫn đến không biết chính xác em nào đã được hỗ trợ và được hỗ trợ bao nhiêu” - vị đại diện này chỉ ra nguyên nhân.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với đại diện các bộ, ngành về công tác hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch Covid-19

Đây cũng chính là băn khoăn của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại buổi làm việc với đại diện các bộ, ngành về công tác hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch Covid-19 mới đây. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ đề nghị phải khảo sát, nắm chắc số liệu trẻ mồ côi do dịch Covid-19, không bỏ sót đối tượng, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho các em.

Còn theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa, cần sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương để thực hiện chính sách thống nhất trên toàn quốc; điều phối các nguồn lực hỗ trợ bảo đảm công bằng, đúng địa chỉ, phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu, nguyện vọng của các em.

Ghi nhận Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ trẻ em bao gồm trẻ mồ côi do Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, “đó là cơ sở để chúng tôi yên tâm. Bởi chỉ cần được thống kê đầy đủ, chính xác, ít nhất các cháu sẽ được thụ hưởng các chính sách đang có của Nhà nước”. Ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì việc thống kê số lượng trẻ em mồ côi do Covid-19 trên cả nước, phân loại trẻ mồ côi cả bố và mẹ, trẻ mồ côi bố hoặc mẹ, và tình trạng của người thân còn lại, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp, lâu dài và điều phối nguồn lực một cách hiệu quả.

Trẻ mồ côi được hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhóm trẻ mồ côi do Covid-19 bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, do giãn cách xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc nên cần có sự quan tâm đặc biệt. Như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nói: "Hoàn cảnh đặc biệt cần có chính sách đặc biệt".

Nhật Linh