Chiều 30.11, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao.
Với tinh thần đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc có thể nói là lớn nhất tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay.
Trong đó, chỉ riêng về lập pháp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật với tỷ lệ tán thành cao và cho ý kiến đối với 10 dự án Luật khác. Các luật, nghị quyết điều chỉnh nhiều vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết, được cử tri, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hết sức trông đợi. Nhiều luật, nghị quyết được xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp chắc chắn sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc của nền kinh tế hiện nay.
Diễn ra chỉ gần 1 tháng sau thành công của Hội nghị Trung ương 10 với những chỉ đạo hết sức quyết liệt của Trung ương về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thực tiễn công tác lập pháp tại kỳ họp này cho thấy, tinh thần của Trung ương đã được Quốc hội quán triệt và thực hiện ngay, đem lại kết quả ngay.
Các luật, nghị quyết quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để hoàn thiện trình Quốc hội thông qua theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông các nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp...
Đặc biệt, một yêu cầu luôn được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải hết sức lưu ý trong quá trình thẩm tra, đóng góp ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết là phải kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm, những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.
Với các luật, nghị quyết đã được thông qua, việc cần làm ngay sau Kỳ họp thứ Tám là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền để bảo đảm các luật, nghị quyết được thực thi ngay, đem lại hiệu quả ngay.
Từ thực tiễn kết quả lập pháp tại Kỳ họp này, một thông điệp mạnh mẽ, quyết liệt về đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp cũng đã được Quốc hội nhấn mạnh tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Tám. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi trình ban hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền phải đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập pháp, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định lâu dài; minh bạch, dễ tiếp cận; thích ứng với sự biến động của thực tiễn, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển.
Cùng với đó, phải tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi ngay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa định hướng đổi mới trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính kịp thời chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng khung khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định, nhất là những vấn đề liên quan đến Cách mạng Công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.
Với thực tiễn lập pháp tại Kỳ họp thứ Tám và những yêu cầu đã được Quốc hội nhấn mạnh trên đây đã tiếp tục khẳng định sự tiên phong, gương mẫu và quyết tâm, hành động quyết liệt của Quốc hội trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật thực sự kiến tạo, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.