Thông điệp mạnh mẽ bằng nghệ thuật

Ngọc Phương 09/12/2021 06:05

Được sử dụng nhiều trong hai cuộc kháng chiến, tranh cổ động gây ấn tượng mạnh qua hình vẽ và màu sắc, góp phần phản ánh thông tin trực diện nhất, truyền tải thông điệp nhanh nhất đến người xem. Với những ưu điểm riêng, đến nay, loại hình nghệ thuật này vẫn đóng vai trò truyền đạt thẩm mỹ bằng ngôn ngữ đồ họa - hội họa cô đọng, và truyền đạt thông điệp xã hội, nâng cao nhận thức công chúng.

Nhiều tranh cổ động ra đời trong giai đoạn kháng chiến Nguồn: TL
Nhiều tranh cổ động ra đời trong giai đoạn kháng chiến
Nguồn: TL

Có thời kỳ hầu hết họa sĩ vẽ tranh cổ động

Khi xem xét lại dòng tranh cổ động với những thăng trầm lịch sử, nhà nghiên cứu nghệ thuật Vũ Huy Thông cho biết: Tranh cổ động dù được sử dụng nhiều ở nước ta sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhưng loại hình này cũng đã phổ biến trước đó. Xuất hiện ở châu Âu, sau khi công nghệ in ấn ra đời, ban đầu thể loại này được gọi là áp phích (affiche/poster). Tranh xuất hiện mạnh tại châu Âu đặc biệt là giai đoạn Thế chiến I (1914 - 1918) và Cách mạng tháng Mười Nga (1917). Ở Việt Nam, ngay từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã sử dụng loại tranh này để phục vụ các chiến dịch vận động mua công trái, quốc trái, vận động Nhân dân Đông Dương cho Chính phủ vay tiền, hoặc phục vụ chiêu mộ lính, đưa 50.000 người Đông Dương đến Pháp làm việc trong xưởng đóng tàu và cơ khí...

Trong các giai đoạn tiếp theo, tranh cổ động được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Thấy được lợi thế của loại hình nghệ thuật này, ngay trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám và sau năm 1945, nhiều nghệ sĩ tham gia Tổ sáng tác tranh cổ động, như họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị... Đến những năm cuối thập niên 1960, Xưởng Tranh cổ động Trung ương chính thức thành lập, cho ra đời những tác phẩm đồng hành và góp phần vào thành công trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Là nhân chứng của thời kỳ lịch sử ấy, họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ: “Trong tiến trình lịch sử của tranh cổ động, thế hệ chúng tôi vô tình là một phần của lịch sử đã qua. Khi ấy, tôi không phải cá biệt, bởi thời đó hầu như họa sĩ nào cũng vẽ tranh cổ động. Đây cũng là thời kỳ khác biệt của xã hội Việt Nam, cũng là thời kỳ mà Trường Mỹ thuật có hệ trung cấp (trước đó để trở thành họa sĩ, mọi người phải trải qua 7 - 12 năm đào tạo). Tôi yêu thích mỹ thuật, chưa đến 17 tuổi đã vào trường, tốt nghiệp khi mới đôi mươi. Chúng tôi học tất cả bộ môn, hội họa, đồ họa, nặn tượng, áp phích... để thích ứng, bước vào cuộc kháng chiến có thể làm mọi thứ. Khi tốt nghiệp, các bạn nam vào chiến trường, bạn nữ về các địa phương”. 

Tham gia ngành thông tin ngay sau khi ra trường, họa sĩ Đặng Thị Khuê đã có 12 năm gắn bó với tranh cổ động. Mọi chuyện xảy ra hơn 50 năm trước, nhưng bà cứ ngỡ như “cổ tích”, bởi mọi thứ thay đổi quá nhanh...

Cuộc thi sáng tác tranh cổ động về giới “In ART we TRUST” vừa được phát động, nằm trong chiến dịch truyền thông He can do được tài trợ bởi Investing In Women của Chính phủ Australia. Nhận tác phẩm dự thi đến ngày 13.12, cuộc thi chào đón những ý tưởng mới mẻ từ cộng đồng nghệ sĩ làm việc trên nhiều loại hình như hội họa, đồ họa, minh họa, thiết kế... ở cả hai định dạng tranh dạng thực thể và kỹ thuật số. Tác phẩm dự thi cũng nhằm “làm mới” và thay đổi nhận thức của công chúng về tranh cổ động - một hình thức nghệ thuật dường như đang bị lãng quên.

“Đặc sản” của mỹ thuật kháng chiến

“Tôi được phân công về địa phương, vừa vẽ tranh cổ động, vẽ tranh ở bảng tường, vừa dạy học... Tranh cổ động khi ấy được chúng tôi dùng như phương tiện để làm công tác tuyên truyền. Thời kỳ chiến tranh, ở những nút giao thông lớn, nơi xung yếu như gần sân bay, quốc lộ phải có những cụm hình ảnh lớn để tác động đến số đông. Chúng tôi được yêu cầu vẽ làm sao để mọi người chỉ thoáng qua đã có thể nhìn thấy thông điệp, ngôn ngữ cô đọng” - họa sĩ Đặng Thị Khuê kể.

Khi đó, đời sống gian khổ, thiếu thốn, họa phẩm cực kỳ hiếm hoi, “có nhúm màu đã là lý tưởng”. Để hoàn thành nhiệm vụ, các họa sĩ phải tự nghĩ ra cách, vận dụng kinh nghiệm dân gian để sáng chế màu từ những nguyên liệu có trong tự nhiên. “Chúng tôi tự khắc, tự in, tự đi phân phát; và phải nghĩ ra cách làm sao in đơn giản nhất, rẻ nhất, tiết kiệm màu - chỉ in tối đa 3 màu, để chế bản nhanh. Tuy nhiên, hình ảnh, thông điệp đưa ra phải mạnh mẽ, thúc giục người xem hành động theo sự chỉ dẫn, động viên đó...”.

Với những nỗ lực của cả một thế hệ nghệ sĩ, dòng tranh này đã trở thành “đặc sản” của mỹ thuật kháng chiến, hiện diện trên mọi nẻo đường, trong mọi thời khắc lịch sử cam go, hào hùng nhất của dân tộc. Sau đó, tranh cổ động tiếp tục đi vào đời sống nghệ thuật và cuộc sống thường ngày trong thời bình.

Theo các nhà nghiên cứu, tranh cổ động có yêu cầu riêng về ngôn ngữ đồ họa rõ ràng, là mảng, là nét. Giai đoạn kháng chiến với những bối cảnh và điều kiện đặc biệt, hiếm có tranh cổ động nào vờn tả, cũng ít có tranh có không gian chiều sâu. Hiện nay, điều kiện sáng tác đã thay đổi, khả năng in ấn cho phép thể hiện hết ý tưởng của nghệ sĩ. Tuy nhiên, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho rằng: “Quan trọng là cách nào tạo được ấn tượng, hình ảnh dễ tiếp nhận nhất, chuyển tải thông điệp nhanh nhất, và đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thông điệp mạnh mẽ bằng nghệ thuật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO