Giữ nguyên hiện trạng đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, cấp xã
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Nam Định không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp và có 44 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tỉnh Nam Định đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 2 đơn vị hành chính cấp huyện (thuộc diện khuyến khích và liền kề) và 79 đơn vị hành chính cấp xã (44 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 2 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 31 đơn vị liền kề). Như vậy, sau sắp xếp, giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 10 đơn vị xuống còn 9 đơn vị) và giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã (từ 226 đơn vị xuống còn 175 đơn vị).
Đối với tỉnh Tuyên Quang, theo Báo cáo của Chính phủ, tỉnh có 2 xã thuộc diện sắp xếp (gồm: Xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn thuộc huyện Sơn Dương). Tỉnh xây dựng phương án nhập 2 xã Hồng Lạc và Vân Sơn thành xã Hồng Sơn mới; sau sắp xếp giảm 1 xã (từ 138 đơn vị xuống 137 đơn vị).
Đối với tỉnh Sóc Trăng, theo Báo cáo của Chính phủ, tỉnh có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện Cù Lao Dung) và 1 đơn vị hành chính cấp xã (phường 1 thuộc thành phố Sóc Trăng) thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025. Tỉnh đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với huyện Cù Lao Dung do có vị trí biệt lập (là huyện cù lao), khó tổ chức giao thông thuận lợi kết nối với đơn vị hành chính liền kề; xây dựng phương án nhập Phường 1 với Phường 9 để thành lập Phường 1 (mới) thuộc thành phố Sóc Trăng; sau sắp xếp giảm 1 phường (từ 109 đơn vị xuống còn 108 đơn vị).
Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, 3 tỉnh đều đề nghị trước mắt giữ nguyên hiện trạng các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục, y tế trên địa bàn cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp để bảo đảm chất lượng giáo dục và dịch vụ khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Riêng đối với tỉnh Nam Định, thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp (ngoài y tế, giáo dục) có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, sau sắp xếp, tỉnh Nam Định dự kiến dôi dư 39 trụ sở (cấp huyện là 9 trụ sở; cấp xã là 30 trụ sở); tỉnh Tuyên Quang dự kiến dôi dư 1 trụ sở; tỉnh Sóc Trăng dự kiến dôi dư 4 trụ sở. Tại các Đề án, 3 tỉnh đã xây dựng phương án, bảo đảm trong thời hạn 3 năm (đến tháng 9.2027) sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về cơ bản, các đơn vị hành chính thuộc diện bắt buộc sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương xây dựng phương án cụ thể. Các đơn vị hành chính được hình thành sau sắp xếp cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của đơn vị hành chính theo quy định và yêu cầu của việc sắp xếp. Các địa phương cũng đã chủ động phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và có phương án bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Sau khi thực hiện sắp xếp tại 3 tỉnh này, đã giảm được tổng số 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 53 đơn vị hành chính cấp xã.
Về dự thảo các Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý tên gọi, cách thức thể hiện trong dự thảo Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh để bảo đảm thống nhất. Đồng thời, xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết là ngày 1.9.2024 (dự thảo Chính phủ trình chưa xác định ngày có hiệu lực của Nghị quyết) để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình xây dựng và xem xét, thông qua các Đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trên cơ sở kết quả thẩm tra các Đề án và kiến nghị của Chính phủ tại văn bản số 366/BC-CP, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận về 4 nội dung gồm:
Thứ nhất, trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của từ 2 phường trở lên thành 1 phường thì chỉ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 35 và không cần đánh giá lại tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với phường hình thành sau sắp xếp.
Thứ hai, cho phép áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 để thực hiện đánh giá đối với các phương án sắp xếp nhập toàn bộ từ 2 đơn vị hành chính trở lên để hình thành 1 đơn vị hành chính đô thị cùng cấp thì chỉ cần bảo đảm tiêu chuẩn về loại đô thị (đối với thị trấn) hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị (đối với phường) tương ứng mà không cần đánh giá tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính mà đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp có quy hoạch hoặc lộ trình quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030 và có diện tích tự nhiên, quy mô dân số đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị tương ứng theo quy định của Nghị quyết số 1211 thì không cần áp dụng yêu cầu về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, quy mô dân số quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 35.
Thứ tư, đối với đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp thì việc đánh giá tiêu chuẩn, điều kiện của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 1211 (bao gồm cả các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tại Chương I và quy định về áp dụng Nghị quyết đối với một số trường hợp cụ thể tại Điều 31), còn việc kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 35.
Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan, địa phương, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị hồ sơ chu đáo, thẩm tra khẩn trương, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Các hồ sơ, tờ trình được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đúng quy định, bảo đảm đúng yêu cầu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với các kiến nghị được Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đưa ra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sau phiên họp sẽ có thông báo để Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các cơ quan hữu quan thống nhất thực hiện. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện xong sớm việc xây dựng các tờ trình, đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua theo một số đợt tập trung, phấn đấu hoàn thành trước 30.9.2024.
Để làm rõ hơn các yêu cầu đối với công tác này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các địa phương là chủ trương của Bộ Chính trị. Chính phủ cũng đã có đề án cụ thể, có lộ trình, bước đi để bảo đảm về thời gian và chất lượng thực hiện.
Song song với quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đánh giá kỹ việc sắp xếp các đơn vị hành chính thời gian qua, trong đó chú ý bảo đảm tiết kiệm ngân sách nhà nước; tính toán việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư để tránh xảy ra tình trạng không sử dụng trong nhiều tháng, nhiều năm, gây lãng phí.
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, cũng như tránh gây lãng phí về tài sản công nhà nước, chúng ta phải tính toán trong lần sắp xếp này. Bộ Nội vụ là đơn vị chủ trì nhưng các bộ, ngành khác liên quan phải tích cực tham gia hướng dẫn để các địa phương thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quan tâm đến công tác khảo sát, nắm tình hình các đơn vị hành chính được sắp xếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Chính phủ bổ sung vào các hồ sơ báo cáo về việc thực hiện công tác này của Ban chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính; nêu rõ kết quả của các đợt khảo sát này.
Tán thành với quan điểm nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, với các địa phương có số lượng đơn vị hành chính phải sắp xếp lớn, Ban chỉ đạo Trung ương cần đi khảo sát cụ thể từng xã, từng huyện, phải đi nắm tình hình, “thà chúng ta làm chậm nhưng chắc chắn để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và trong Nhân dân”.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình bố trí và giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng. Đồng thời, quan tâm việc sắp xếp, bố trí các chức danh chủ chốt để ổn định tổ chức bộ máy đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp vào năm 2025, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tâm tư của người dân, của cán bộ, công chức; huy động các nguồn lực để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thay đổi con dấu, giấy tờ; rà soát chính sách để các đối tượng bị tác động, ảnh hưởng cùng đồng thuận; bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp... "Mục tiêu của Đảng, Nhà nước là sắp xếp đơn vị hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh, trật tự và hệ thống chính trị phải mạnh sau sắp xếp", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.