Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan; đại diện các bộ, ngành, cơ quan hữu quan.
Trình bày Tờ trình về đề nghị bổ sung các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu rõ, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Dữ liệu nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu, chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế, tồn tại trong thời gian qua như: chưa đầy đủ cơ sở hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi; nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất; nhân lực vận hành, quản trị các hệ thống thông tin vừa thiếu, vừa yếu...
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được Chính phủ xem xét, cho ý kiến thông qua tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24.6.2024 với 4 chính sách: quy định về xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu; quy định về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia; quy định về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân vào Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong tình hình mới, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tế triển khai thi hành Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thời gian qua.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến thông qua tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 6.7.2024 với 3 chính sách: hoàn thiện quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với sự ban hành Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan soạn thảo trong chuẩn bị hồ sơ các dự án Luật.
Đối với dự án Luật Dữ liệu, một số ý kiến cho rằng, hiện nay có tới 69 luật quy định về cơ sở dữ liệu (gồm cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành), trong đó một số luật quy định cụ thể về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu... Vì vậy, đề nghị tiếp tục rà soát để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này với các luật khác có liên quan. Có đại biểu cho rằng, số lượng các dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám cũng tương đối lớn, do đó đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến sang Kỳ họp thứ Chín và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười.
Về cơ sở thực tiễn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ sở thực tiễn công tác của sĩ quan các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt để có chính sách đặc thù về quân hàm, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu… cho phù hợp.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; đánh giá cao sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ trong việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng hồ sơ các dự án luật trình tại phiên họp. Hồ sơ các dự án Luật tương đối đầy đủ, chi tiết, dày dặn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các bộ tiếp thu đầy đủ ý kiến của cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan, chủ động chuẩn bị nội giải trình tiếp thu, làm rõ để phục vụ việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới. Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hai bộ cần khẩn trương hoàn thiện các tài liệu có liên quan.
Nhấn mạnh tinh thần xuyên suốt đối với dự án Luật Dữ liệu là bảo đảm không chồng chéo với các luật hiện hành và các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua vào thời gian tới có quy định về dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan soạn thảo có báo cáo đánh giá đầy đủ, khách quan rà soát về sự thống nhất, đồng bộ của dự án Luật này với hệ thống pháp luật.