Tham dự có Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…
Một đạo luật lớn, quan trọng và rất khó
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trong đó, Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Khẳng định đây là một đạo luật lớn, quan trọng và rất khó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều mong muốn bắt tay sớm thực hiện thẩm tra dự án Luật này.
Thống nhất với quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, đây là đạo luật có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, nên cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) đã nhanh chóng thành lập Ban soạn thảo, cố gắng thiết kế dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.
Bộ trưởng cũng cho biết, một trong những yêu cầu khi xây dựng dự án Luật này là “làm thế nào phát huy được dòng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn của Nhà nước…”. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quyền của người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; xác định rõ sẽ quản lý xuyên suốt theo dòng tiền của Nhà nước hay quản lý theo cấp hành chính; phương thức quản lý phần vốn Nhà nước ở công ty cổ phần có vốn góp dưới 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp…
Nỗ lực hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đúng thời hạn
Tại phiên họp, các đại biểu đều ghi nhận, thời gian qua, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã triển khai nhiều hoạt động để xây dựng dự thảo Luật, chủ động thẩm tra từ sớm, từ xa.
Trong đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với Bộ Tài chính, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức thành công 2 hội thảo (tháng 1.2024 và tháng 3.2024) lấy ý kiến về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài chính thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; tham dự một số tọa đàm lấy ý kiến về dự án Luật...
Để bảo đảm chất lượng dự thảo Luật, tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bám sát kế hoạch thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động khảo sát tại doanh nghiệp nhà nước, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia; nỗ lực hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đúng thời hạn, không để xảy ra tình trạng gửi chậm, muộn tài liệu đến ĐBQH; tích cực phối hợp hiệu quả hơn nữa để thực hiện tốt công tác tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn, hoàn thiện dự thảo Luật sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám tới…
Các đại biểu cũng thống nhất thời gian tổ chức một số cuộc tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật; cách thức phối hợp thực hiện công tác tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; thời gian tổ chức các cuộc học tập, trao đổi kinh nghiệm ở một số quốc gia có điều kiện phát triển tương đồng với nước ta…
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định, việc xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là rất cần thiết; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý bám sát nội dung 6 nhóm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật để quy định cụ thể nội dung tại các chương, điều, khoản cụ thể.
Cơ bản thống nhất với kế hoạch soạn thảo dự thảo Luật của Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh khẳng định, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách luôn sẵn sàng phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình tổ chức các hoạt động có liên quan cũng như mời đại diện các cơ quan của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp…, bảo đảm nhận được nhiều nhất ý kiến góp ý hữu ích cho quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.