Sáng 8.2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã khảo sát tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh làm Trưởng đoàn khảo sát.
Trường THPT Trần Nguyên Hãn được thành lập năm 1976. Điểm mạnh và nổi bật của nhà trường trong nhiều năm qua là kế hoạch giáo dục được xây dựng khoa học, phù hợp với tình hình thực tế và, trong đó chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.
Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục của nhà trường trở thành mô hình điểm của toàn quốc như mô hình học tập môn Giáo dục Quốc phòng an ninh theo hình thức tập trung nội trú, hoạt động trải nghiệm tại các địa chỉ đỏ ở miền Trung, chương trình tin học văn phòng quốc tế MOS…
Theo Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Minh Quý, “những đổi mới đi trước đón đầu đó đã góp phần đặt nền móng quan trọng cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay”.
Ngay sau khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, giáo viên nhà trường đã nghiên cứu chương trình tổng thể và tham gia các hội thảo, lớp tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng tổ chức. Nhà trường chủ động xây dựng chương trình giảng dạy của trường dày gần 200 trang của các lĩnh vực bộ môn; chuẩn bị cơ sở vật chất (hệ thống internet tốc độ cao, 40 phòng học đạt chuẩn, được trang bị máy chiếu, máy tính kết nối internet...) để triển khai chương trình mới.
Sau một học kỳ tổ chức dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đại diện Trường THPT Trần Nguyên Hãn đánh giá, Chương trình giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn cuộc sống, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Chương trình xác định rõ yêu cầu, mục tiêu cần đạt được về phẩm chất và năng lực của học sinh, giúp giáo viên dễ dàng xây dựng kế hoạch giảng dạy ngay cả khi chưa có sách giáo khoa.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà được duy trì. Niềm tin của nhân dân được củng cố, thương hiệu nhà trường được khẳng định. Đặc biệt, “học sinh khối lớp 10 có chuyển biến rõ nét về nhiều mặt so với chính các em năm lớp 9 và so với học sinh khối lớp 10 năm học trước. Đa số sống có lý tưởng, hoài bão, có khát vọng vươn lên, có đạo đức tốt, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Các em được phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời...” - Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý nhận xét.
Tuy vậy, các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy khối lớp 10 Trường THPT Trần Nguyên Hãn cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là tâm lý e ngại của cả học sinh và giáo viên khi tiếp cận chương trình mới; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu phòng học chức năng; tập huấn, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến hạn chế tương tác...
Đáng chú ý, do Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đồng bộ cả 3 cấp học nên có sự gián đoạn kiến thức đối với học sinh đầu cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn việc dạy bù kiến thức cho học sinh, giáo viên khối 5 dạy bù cho học sinh lớp 6, giáo viên lớp 9 dạy bù cho học sinh lớp 10 kiến thức chưa được học. Tuy nhiên, thời gian dạy bù như thế nào, tài liệu ra sao cần được quy định cụ thể hơn...
Ghi nhận sự quan tâm của thành phố Hải Phòng, quận Lê Chân đối với giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiều chính sách đặc thù như miễn học phí từ bậc mầm non đến THPT, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, đổi mới là một quá trình và trong quá trình ấy cần sự sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm như các thầy cô Trường THPT Trần Nguyên Hãn đang làm. “Đổi mới đương nhiên nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cần kiên định, phải hoàn thành và hoàn thành xuất sắc, vì sản phẩm giáo dục tốt vô cùng quan trọng với xã hội”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nói.