Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang thảo luận tổ

Thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng

- Thứ Hai, 17/06/2024, 17:47 - Chia sẻ

Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) chiều 17.6, các đại biểu Quốc hội Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang) đề nghị, nên cho phép Văn phòng Công chứng được hoạt động theo cả loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Các ĐBQH cơ bản tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng; tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Kế thừa quy định của Luật hiện hành, khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng Công chứng phải có từ 2 thành viên hợp danh là công chứng viên trở lên và không có thành viên góp vốn.

Về nội dung này, Báo cáo thẩm tra nêu 2 loại ý kiến: thứ nhất, tán thành với quy định này; thứ hai, đề nghị quy định theo hướng mở rộng tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như Luật hiện hành.

Thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10 (Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang). Ảnh: Khánh Duy

Tán thành loại ý kiến thứ hai, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, việc duy trì mô hình tổ chức của văn phòng công chứng với hai công chứng viên hợp danh sẽ khó bảo đảm việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở một số địa bàn; dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua.

Để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị bổ sung quy định về loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như quy định của Luật hiện hành theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Cũng quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) nêu rõ, một công chứng viên đến khi đủ điều kiện hành nghề đã phải trải qua những giai đoạn đào tạo, thi cử với các tiêu chí khắt khe nên việc họ phải cùng một công chứng viên khác mới thành lập được Văn phòng Công chứng cũng gây khó khăn cho họ trong việc tìm kiếm thành viên hợp danh còn lại.

Trong khi đó, Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định về loại hình doanh nghiệp tư nhân, trong đó chủ sở hữu là một cá nhân và cũng “tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Đông cho rằng, dự thảo Luật nên cho phép Văn phòng Công chứng được hoạt động theo cả loại hình công ty hợp danh và loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Điều 13 của dự thảo Luật quy định về thời gian tạm đình chỉ hành nghề công chứng từ 1 tháng đến 12 tháng. Trong khi đó, theo quy định của Điều 172 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thời gian điều tra một vụ án hình sự (bao gồm cả các trường hợp gia hạn) có thể vượt qua 12 tháng. Vậy, nếu công chứng viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà thời gian điều tra vượt quá 12 tháng thì sẽ tính thời gian tạm đình chỉ nghề công chứng như nào?

Nêu vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng “Thời gian tạm đình chỉnh hành nghề công chứng cho đến khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, bản án đã có hiệu lực của Tòa án tuyên công chứng viên không có tội; công chứng viên không còn bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13”.

Thụy Vũ
#