Đây là việc làm cấp bách nhằm thể chế hóa quan điểm, mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới BHXH bắt buộc toàn dân.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu cần thiết là mở rộng đối tượng, bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện và tăng thêm chế độ thai sản cho lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện. Bổ sung quyền lợi ốm đau, thai sản cho lao động bán chuyên trách. Giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, áp dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) nhấn mạnh, lần sửa đổi này, các vấn đề liên quan đến bài toán kinh tế của Quỹ BHXH được “khóa lại”; tiếp tục duy trì quy định của Luật hiện hành để bảo đảm cân bằng Quỹ trong dài hạn; chỉ hoàn thiện quy định hiện hành để thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XII về cải cách chính sách BHXH như mở rộng đối tượng, khắc phục hưởng BHXH một lần, quản lý quỹ, bộ máy quản lý quỹ, đầu tư của quỹ...
Góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, hiện nay BHXH tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Tuy nhiên, so với dư địa và mục tiêu phấn đấu mức độ bao phủ của BHXH tự nguyện vẫn rất khiêm tốn. Để tăng tính hấp dẫn cho hình thức bảo hiểm này là một bài toán cần sớm được giải đáp. Qua đó, đại biểu đề nghị cần đa dạng hóa thiết kế nhiều gói chính sách về BHXH tự nguyện để làm sao cho từng người, từng đối tượng căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, họ sẽ lựa chọn các gói BHXH linh hoạt để tham gia…
Về BHTN, đại biểu đề nghị nên chia ra các gói đóng như mức đóng cao hưởng cao, mức đóng thấp hưởng thấp và có gói đóng tối đa được hưởng như đóng BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, cần tăng quyền lợi của người lao động nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; nâng mức hỗ trợ tử tuất, tai nạn rủi ro khi người dân tham gia BHXH tự nguyện; có chế độ thai sản và BHYT cho đối tượng là công nhân tạm thời nghỉ việc ở các doanh nghiệp, nhân viên lao động hợp đồng tại các đơn vị công lập, đặc biệt là lao động nữ…
Quy định phù hợp với lực lượng vũ trang
Căn cứ đóng BHXH liên quan đến cách tính tiền lương, tiền thưởng, các đại biểu cho rằng: trong quân đội có một lực lượng rất đông là học viên của các trường đại học, các học viện. Các quân nhân là học viên các trường đại học, học viện hưởng phụ cấp theo quân hàm hạ sĩ, trung sĩ, binh nhất, binh nhì… Nhưng, nếu đóng BHXH theo mức phụ cấp quân hàm của các học viên trường quân đội thì sẽ rất thấp, dễ gây thiệt thòi cho họ.
Thực tế, các học viên trường quân đội vẫn được đóng bảo hiểm nhưng mà ở mức thấp, trong khi quá trình học cũng có một số rủi ro nhất định. Do vậy, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (An Giang) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lồng ghép quy định về phụ cấp của lực lượng vũ trang trong quy định tại Điều 30 của dự thảo Luật về căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHTN.
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng, nếu quy định cứng về thời gian tham gia đóng BHXH để được hưởng chế độ mai tang phí như dự thảo Luật này thì sẽ rất thiệt thòi cho toàn bộ số hạ cơ quan, binh sĩ, công nhân lao động hợp đồng đối trong quân đội, vì họ khó có thời gian đóng BHXH đủ. Về nguyên tắc, phải thực hiện đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, nhưng nếu quân nhân đóng 11 tháng 29 ngày rồi mà cũng không được hưởng chế độ mai táng phí thì sẽ rất thiệt thòi cho họ. “Lực lượng vũ trang có đặc thù riêng nên cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung điều khoản quy định phù hợp về trợ cấp mai tang, cũng như một số trợ cấp khác tại dự thảo Luật”, đại biểu Chiến đề nghị.
Bên cạnh đó, quy định hưởng BHXH một lần là nội dung dành được sự quan tâm đặc biệt. Theo các đại biểu, người đã đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình; Nhà nước thì lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân gia đình họ, cho xã hội.
Cho rằng “mong muốn của cả 2 bên đều rất chính đáng”, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nhấn mạnh: nếu như chỉ dừng lại ở các chính sách được đưa ra tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ rất khó giải quyết căn cơ bài toán nêu trên.