Sẽ thay đổi khá lớn tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án
Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Toà án Nhân dân (sửa đổi) chiều nay, 9.11, các đại biểu Quốc hội Tổ 4 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu) ghi nhận các cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Toà án Nhân dân năm 2014 đã đầy đủ.
Các đại biểu khẳng định, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã được Quốc hội thông qua năm 2014 là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án nhân dân thời gian qua. Tuy nhiên, sau 8 năm thi hành, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số quy định chưa đáp ứng các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cũng như yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn của ngành tòa án trong tình hình mới khi số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp...
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này có 9 chương, 154 Điều, trong đó bổ sung mới 54 Điều, sửa đổi 93 Điều và giữ nguyên 7 Điều. So với Luật năm 2014, dự thảo Luật giảm 2 chương nhưng tăng thêm 57 Điều. Theo ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu), điều này cho thấy, sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi khá lớn về tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân.
Nghiên cứu các điều khoản cụ thể, đại biểu nhận thấy, dự án Luật mang nhiều kỳ vọng rất lớn, thể hiện mong muốn thay đổi nhiều hơn, cơ bản hơn và toàn diện hơn về tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án hiện tại. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến bày tỏ băn khoăn khi một số quy định trong dự thảo Luật chưa cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để thể chế hoá rõ hơn.
Về vị trí, chức năng của Tòa án nhân dân tại Điều 2, Điều 3 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu rõ, Điều 104 Hiến pháp năm 2013 đã xác định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp.
“Do đó, tôi thống nhất cao việc thể chế hóa vị trí của Tòa án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Điều này phù hợp với Hiến pháp và Nghị quyết của Đảng”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu quan điểm.
Không thay đổi nhiệm vụ, phạm vi xét xử thì có cần đổi tên?
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhất trí việc bổ sung nhiệm vụ “Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” cho toà án nhân dân; không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa và Toà án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ...
Tuy nhiên, đại biểu Lã Thanh Tân băn khoăn với quy định về thẩm quyền giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của Tòa án. Nhắc lại hai luồng ý kiến khác nhau đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về nội dung này, đại biểu đề nghị chắc chắn phải dành thời gian nghiên cứu thêm, cơ quan soạn thảo phải làm rõ hơn căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học của đề xuất này.
Liên quan đến đổi mới tổ chức Tòa án, dự thảo Luật quy định theo hướng Tòa án nhân dân cấp tỉnh chuyển thành Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân cấp huyện chuyển thành Tòa án nhân dân sơ thẩm. Mặc dù đổi tên nhưng nhiệm vụ, quyền hạn thì vẫn giữ nguyên, do đó, đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ, không đồng ý với quy định theo hướng này.
“Các nội dung hiện tại đang phù hợp, tương thích với các luật về tố tụng hiện nay. Nếu thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến tố tụng, dẫn đến việc bắt buộc phải có sự sửa đổi các luật liên quan như Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự... Trong điều kiện không thay đổi về mặt nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi xét xử của tòa án cấp tỉnh, cấp huyện thì nên giữ nguyên tên gọi như hiện nay”, đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, việc đổi tên gọi như đề xuất của cơ quan soạn thảo cũng sẽ tác động đến các vấn đề liên quan đến công tác hành chính, trụ sở, tên gọi, các hệ thống điều hành hiện tại của tòa án các cấp... chắc chắn là sẽ gây ra nhiều chi phí không cần thiết.
ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) ghi nhận dự thảo Luật có nhiều đổi mới, nhiều nội dung rất mạnh dạn. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ nhất trí quan điểm của Ủy ban Tư pháp và đại biểu Lã Thanh Tân về việc không đổi tên các Toà án cấp tỉnh, cấp huyện bởi về bản chất không có thay đổi gì. Trong giai đoạn hiện nay, đại biểu đề nghị, giữ nguyên tên toà án cấp huyện, cấp tỉnh để ổn định tổ chức bộ máy.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh cũng bày tỏ băn khoăn về việc Tờ trình dự án Luật nhấn mạnh việc bảo đảm tính độc lập trong xét xử của toà án. Nêu rõ đây là yêu cầu tất yếu, song đại biểu cũng lưu ý, một số nội dung đề xuất sửa đổi được lý giải là nhằm bảo đảm tính độc lập xét xử của ngành toà án, "nhưng việc chứng minh trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành có vấn đề gì tác động đến bảo đảm tính độc lập xét xử của toà án hay không thì lại chưa rõ". Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi liên quan đến vấn đề này.