Việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Rành mạch hơn nữa về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng

- Thứ Năm, 16/11/2023, 13:51 - Chia sẻ

Tiếp tục phiên họp sáng nay, 16.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Công trình lưỡng dụng sẽ không phân chia theo hình thức sở hữu

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 4), có ý kiến đề nghị có cơ chế riêng cho việc đầu tư xây dựng các dự án, công trình quốc phòng và khu quân sự, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng sang đất quốc phòng để xây dựng công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm xử lý các vướng mắc trong thực tiễn.

Rành mạch hơn nữa về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng -0
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; việc chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất quốc phòng do Luật Đất đai điều chỉnh; về đầu tư xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình quốc phòng thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung các nội dung trên vào dự thảo Luật.

Về công trình lưỡng dụng (Điều 7), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, Khoản 6 dự thảo Luật đã quy định cụ thể về nội dung quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng khi được sử dụng cho mục đích dân sự hoặc quân sự, quốc phòng hoặc sử dụng cả mục đích quân sự, quốc phòng và dân sự mà không phân loại theo hình thức sở hữu của công trình. Do vậy, trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm khi áp dụng Luật phù hợp với các đối tượng khác nhau sở hữu công trình dân sự có tính lưỡng dụng (sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân) và tránh chồng chéo trong các quy định của pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ cụm từ “pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công,” bổ sung cụm từ “được lập hồ sơ quản lý, thống kê, kiểm kê công trình theo quy định tại Điều 10 và Điều 14” tại điểm a khoản 6, đồng thời chỉnh lý lại khoản 2 và khoản 4 Điều này như dự thảo Luật.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 12), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật. Việc quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự tại điểm b khoản này (chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự trong phạm vi Bộ Quốc phòng, vẫn sử dụng cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng) được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở luật hóa các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng tài sản công đã thực hiện ổn định. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 17), Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới cho biết, phạm vi khu vực cấm trong lòng đất, dưới mặt nước của công trình quốc phòng và khu quân sự được xác định theo mặt thẳng đứng từ đường ranh giới khu vực cấm từ mặt đất, mặt nước trở xuống không giới hạn về chiều sâu là phù hợp, thống nhất với quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Biên giới Quốc gia. Việc xác định phạm vi khu vực cấm trên không của công trình quốc phòng và khu quân sự với chiều cao không quá 5.000 mét dựa trên cơ sở thực tế quản lý các hoạt động bay nói chung và hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nói riêng trên vùng trời Việt Nam theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung cụm từ “hoặc khoảng không của khu quân sự khi được thiết lập trên không” vào cuối điểm b khoản 1 Điều này để thống nhất với khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật; phù hợp với thực tiễn và tạo cơ sở pháp lý khi thiết lập, bố trí trang, thiết bị quân sự và khu quân sự trên không. Đồng thời, qua rà soát, để bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản 2, 3 và khoản 4 như dự thảo Luật.

Thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên thực hiện theo Luật Đất đai

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đánh giá cao quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật; nhiều nội dung được ĐBQH góp ý đã được tiếp thu, thể hiện rõ trong Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Để hoàn thiện hơn nữa Báo cáo này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần nghiên cứu thể hiện khái quát hơn, nêu ra những nội dung cốt lõi đã tiếp thu để các đại biểu Quốc hội rõ hơn, tạo được sự đồng thuận cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5, Điều 6, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã có tiếp thu, rà soát, chỉnh lý lại cách thể hiện một số nội dung theo hướng phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự theo chức năng, nhiệm vụ; còn phân nhóm là theo tính chất quan trọng và yêu cầu quản lý; đồng thời, có quan hệ gắn kết giữa loại và nhóm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan để rành mạch về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, bảo đảm phù hợp với việc quản lý, bảo vệ, sử dụng, cũng như thực hiện chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia thực hiện những công tác này.

Đối với nội dung về phá dỡ công trình quốc phòng và di dời khu quân sự khi không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng không thực hiện được việc chuyển mục đích sử dụng hoặc bán, thanh lý quy định tại Điều 13, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nên rà soát, bỏ cụm từ “bán, thanh lý” đi, bởi nội hàm chính ở đây là “không chuyển mục đích sử dụng được”.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh với những nội dung cần sự thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, giữa hai Ủy ban của Quốc hội đã thống nhất được hai nội dung. Cụ thể, về vấn đề thu hồi đất đối với đất có diện tích quốc phòng và khu quân sự đang được sử dụng sang mục đích khác, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An Ninh đã tiếp thu và sửa, thống nhất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với Luật Đất đai, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong khoản 5 Điều 201 đối với việc sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Tại khoản 5, Điều 201, Ủy ban Kinh tế đã dẫn chiếu để thực hiện theo quy định này của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm sự thống nhất giữa hai Luật.

Liên quan đến trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự gắn với chuyển mục đích sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, tại dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm quy định, đối với trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác sẽ bao gồm cả chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này sẽ không thống nhất với pháp luật về đất đai bởi Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, tất cả trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện tùy vào trường hợp cụ thể. Dự thảo Luật này quy định một thẩm quyền riêng trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ thì sẽ không thống nhất với pháp luật về đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.

Hoàn thiện chắc chắn, thận trọng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Hiện nay, dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lần này đã không còn quy định trên nữa, được chỉnh lý bằng trường hợp cần thu hồi đất thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, quy định trên chưa rõ ràng, không phải mọi trường hợp chuyển mục đích sử dụng của công trình quốc phòng, an ninh đều liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất.

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, nên bổ sung trong Điều 12 một khoản quy định đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự mà gắn với chuyển mục đích sử dụng đất, thì thẩm quyền quyết định chuyển đổi sử dụng đất thực hiện theo quy định Luật Đất đai.

“Nếu công trình quốc phòng và khu quân sự được quyết định chuyển ra mục đích dân sự, kinh tế thì đúng là phải có trình tự, thủ tục sao cho nhanh, cho gọn. Nhưng không nên thay đổi thẩm quyền để bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng đã phối hợp rất chặt chẽ với nhau và với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan nghiên cứu thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Các phương án tiếp thu đạt được đồng thuận cao. Đến nay, dự án Luật đã có chất lượng tốt, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ Sáu.

Thanh Hải
#