Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi):

Rà soát kỹ lưỡng điều khoản chuyển tiếp, thời điểm áp dụng pháp luật

- Thứ Năm, 16/11/2023, 15:47 - Chia sẻ

Tiếp tục phiên họp chiều nay, 16.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH và ý kiến thống nhất giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn.

Đó là chỉnh lý Điều 57 về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này. Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê tại khoản 4 Điều 80.

Chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại điểm d, khoản 2, Điều 85 theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án, nhưng chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước.

Quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 94; không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp. Bổ sung khoản 3 Điều 95 về việc Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư…

Cần giải trình thuyết phục về nhà ở lưu trú ngoài khu công nghiệp

Về nhà ở thuộc tài sản công (Điều 13); quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công (Điều 125), có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung đầy đủ các loại hình nhà ở thuộc tài sản công vì việc liệt kê tại khoản 1, Điều 13 còn thiếu loại hình nhà ở được đầu tư xây dựng từ năm 1994 đến trước ngày Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực thi hành (ngày 1.7.2006). Ý kiến khác cho rằng quy định tại khoản 3, Điều 125 chưa đồng bộ với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, có thể gây vướng mắc khi thực hiện.

Rà soát kỹ lưỡng điều khoản chuyển tiếp, thời điểm áp dụng pháp luật
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thống nhất ý kiến với cơ quan chủ trì soạn thảo. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, kế thừa quy định tại Điều 80 của Luật Nhà ở hiện hành và tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để bảo đảm bao quát đầy đủ các loại hình nhà ở thuộc tài sản công, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý lại điểm d, khoản 1, Điều 13 của dự thảo Luật: “d) Nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật trong các thời kỳ và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở;”; đồng thời, chỉnh lý đồng bộ đối tượng nhà ở này tại các điều có liên quan của dự thảo Luật.

Về việc bán nhà ở thuộc tài sản công tại khoản 3, Điều 125 của dự thảo Luật, để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tiếp thu ý kiến ĐBQH và trên cơ sở chính sách Chính phủ đã trình tại Kỳ họp thứ Năm, Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉnh lý lại khổ thứ 2 khoản 3, Điều 125 của dự thảo Luật: “Các trường hợp bố trí sử dụng nhà ở thuộc tài sản công quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này từ ngày 19.1.2007, thì quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; nếu Nhà nước không còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện bán theo quy định về bán tài sản công của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về cơ bản Báo cáo tiếp thu, giải trình đã phù hợp và có sự thống nhất cao. Tuy nhiên, đề nghị, cần tập trung giải trình thuyết phục một số nội dung như về nhà ở lưu trú ngoài khu công nghiệp; quy định về Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội…

Đối với một số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội lưu ý rà soát kỹ lưỡng điều khoản chuyển tiếp, thời điểm áp dụng pháp luật, một số nội dung như về nhà ở xã hội có thể có hiệu lực thi hành sớm hơn.

N. Thành
#