Cẩn trọng với quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên
Sáng nay, 25.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Các ĐBQH bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành.
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công chứng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới tổ chức, hoạt động của công chứng đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đề ra là phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Liên quan tới tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, Khoản 3, Điều 8, dự thảo Luật quy định về một trong các tiêu chí để bổ nhiệm công chứng viên là có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, quy định nêu trên giảm 2 năm so với Luật hiện hành, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cẩn trọng, bởi quy định này chưa phù hợp với mục đích, quan điểm việc sửa đổi Luật là nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, phẩm chất, đạo đức của công chứng viên, lấy công chứng viên làm trung tâm.
Lưu ý, do tính chất công việc đặc thù của một công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa" nên cần những người có trình độ pháp luật chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về thời gian công tác pháp luật từ đủ 5 năm trở lên.
“Công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là nghề bổ trợ tư pháp, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, phòng ngừa tranh chấp khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công chứng viên làm nghề công chứng ngoài việc phải có bằng cử nhân luật trở lên thì cần phải có đủ kinh nghiệm thực tiễn, có thời gian công tác pháp luật đủ để bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật sau khi được bổ nhiệm công chứng viên”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An), cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về chức danh trợ lý công chứng viên, đồng thời nêu rõ, hiện nay trợ lý công chứng viên là thành phần không thể thiếu trong các tổ chức hành nghề công chứng và đang thực hiện khối lượng công việc khá lớn trong các tổ chức này.
Bên cạnh đó, hoạt động của trợ lý công chứng viên đang có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các bên có liên quan trong hoạt động công chứng. Hiện nay, trợ lý công chứng viên tham gia vào hầu hết các công đoạn của quy trình công chứng, từ việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, hỗ trợ ký kết giao dịch, sắp xếp đến tổ chức ký kết giao dịch, cập nhật hồ sơ, dữ liệu…
Với phạm vi xử lý công việc lớn như vậy, hoạt động của trợ lý công chứng viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của hoạt động công chứng, cũng như trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, nhất là trong việc bảo mật thông tin. Do vậy, "nếu không có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ thì không có cơ sở để các trợ lý công chứng viên có tư cách giao tiếp, xử lý công việc, cũng như không rõ các nghĩa vụ cụ thể để bảo đảm quyền lợi của khách hàng”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phân tích.
Mặt khác, qua tham khảo kinh nghiệm pháp luật các nước, trong đó có các nước theo hệ thống công chứng Latinh như Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc... đều có quy định về quyền, nghĩa vụ của trợ lý công chứng viên. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về điều kiện, quyền, nghĩa vụ của trợ lý công chứng viên trong dự thảo Luật.
Rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Quan tâm đến giá trị pháp lý của văn bản công chứng tại Khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên, tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu”. Quy định này chưa tương thích với Khoản 1, Điều 401 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có nêu “các bên có thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng vào một thời điểm khác với thời điểm giao kết, trừ khi luật có liên quan quy định khác” và chưa tương thích với Khoản 1, Điều 643 của Bộ luật Dân sự quy định: di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, chứ không phải có hiệu từ thời điểm công chứng viên ký tên và đóng dấu của tổ chức hành nghề vào di chúc.
Nêu vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định hiệu lực trong trường hợp ngoại lệ là luật liên quan có quy định khác như Bộ luật Dân sự đã quy định. Và sửa đổi khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật theo hướng: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên, tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
Về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho biết, Khoản 1, Khoản 2, Điều 26 mâu thuẫn với Điều 20 của dự thảo Luật.
Cụ thể Khoản 1, Khoản 2, Điều 26 quy định về rút vốn, chuyển nhượng vốn, nhưng tại Khoản 1, Điều 20 quy định “Văn phòng công chứng phải có 2 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn”. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị bỏ từ rút vốn và thay cụm từ vốn góp thành cụm từ quyền và nghĩa vụ, đồng thời sửa lại theo hướng: “Công chứng viên chấm dứt tư cách thành viên hợp danh khi tự nguyện rút tư cách thành viên tại Văn phòng công chứng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình”.