Tham dự Phiên bế mạc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Nước nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam...
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định và hoàn thành 49 nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng thành các quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết.
Tại Phiên bế mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV với 472/473 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt 97,12%.
Trong Nghị quyết, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2 ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, tinh thần xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của Nhân dân và cử tri cả nước. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Kiểm toán nhà nước và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
Ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nội dung sau đây:
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Quốc hội yêu cầu tập trung triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và sử dụng thất thoát, lãng phí, không hiệu quả tài nguyên nước. Ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và các Hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên các lưu vực sông; từ năm 2025, xây dựng, công bố Kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh.
Trong năm 2024, bảo đảm 100% hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến và nghiên cứu, hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật để hướng tới vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông theo thời gian thực trong giai đoạn 2025 - 2030…
Đồng thời, ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên. Ưu tiên triển khai việc xử lý, phục hồi sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ - Đáy. Trong năm 2024, hoàn thành việc lập, phê duyệt Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền)…
Đối với lĩnh vực công thương, Quốc hội yêu cầu, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, người bán hàng trong giao dịch trên không gian mạng.
Nâng cao năng lực cơ quan đại diện thương vụ, xúc tiến thương mại, cập nhật kịp thời quy định, chính sách của các thị trường ngoài nước, thông tin, khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu. Trong năm 2024, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) tại các địa phương.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển công nghiệp; xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày gắn với kinh tế xanh. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản; xây dựng các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp quy mô lớn.
Tập trung kiểm toán vấn đề “nóng”, được dư luận, Quốc hội và cử tri quan tâm
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Quốc hội yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về văn hoá trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án đã được ban hành, nhất là bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về chế độ tiền lương, phụ cấp nghề, chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật đã được phê duyệt. Tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác có năng lực, uy tín về đào tạo nghệ thuật, đẩy mạnh việc phổ biến tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài.
Xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, đồng bộ, đầu tư trọng tâm, trọng điểm phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao. Sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng tập luyện và các ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên tài năng, nhân tài trong lĩnh vực thể dục, thể thao và vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, chuyên nghiệp. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc. Có giải pháp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho vận động viên sau khi kết thúc thời kỳ thi đấu đỉnh cao. Khẩn trương có giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả hoạt động của Khu Liên hợp thể thao quốc gia.
Đối với lĩnh vực kiểm toán, Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm. Cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra.
Kiểm toán Nhà nước cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Kiểm toán nhà nước; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán. Có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với việc các Đoàn Kiểm toán đưa ra kết luận, kiến nghị không đầy đủ căn cứ pháp lý, thiếu bằng chứng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; đề cao vai trò người đứng đầu, Tổ trưởng Tổ Kiểm toán, Trưởng Đoàn Kiểm toán, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác. Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện khi trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy.
Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, ngày 20.6.2024, dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã được gửi xin ý kiến các ĐBQH. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được ý kiến của 420 ĐBQH, trong đó có 386 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 34 đại biểu cơ bản đồng ý và có ý kiến góp ý một số nội dung cụ thể.