Cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn 3 Chương trình
Theo đó, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục đổi mới việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Sớm xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
Quốc hội giao UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, đổi mới, đẩy mạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Có biện pháp quyết liệt thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương đã được phân bổ; tăng cường cơ chế lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác; có cơ chế huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thúc đẩy việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Quốc hội giao HĐND các cấp tăng cường vai trò quyết định, giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.
Bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, Chính phủ đã có Tờ trình số 614/TTr-CP ngày 1.11.2023 trình Quốc hội xem xét việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 sang thực hiện trong năm 2024.
Qua xem xét Tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, từ phân tích kỹ lưỡng các nguyên nhân khách quan và chủ quan đánh giá tác động đến thu chi ngân sách nhà nước, việc cho phép kéo dài số vốn trên là cần thiết để bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và đã có Thông báo số 3155/TB-TTKQH ngày 25.11.2023 về việc thống nhất cho phép Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị đối với số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.
Để việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn có hiệu quả, không gây lãng phí, dự thảo Nghị quyết đã quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ quy định này trong dự thảo Nghị quyết.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, có ý kiến đề nghị Quốc hội cho phép HĐND cấp tỉnh được điều hòa vốn giữa các dự án, tiểu dự án, nội dung, nội dung thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả việc giải ngân vốn năm 2021, 2022 chuyển sang thực hiện của năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của đại biểu là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Việc cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được điều hòa vốn giữa các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia, sẽ có những điểm trái với một số quy định trong Luật hiện hành, do đó, nội dung này sẽ được giao Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết về một số Chính sách đặc thù. Nội dung này đã được thể hiện tại khoản 2, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết nội dung “nhiều địa phương đề nghị rà soát, nâng mức hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ nghèo”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ý kiến của đại biểu là xác đáng và đề nghị Chính phủ trong quá trình ban hành, sửa đổi các văn bản chi tiết, thực hiện theo điểm a khoản 3 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết, sẽ nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.