Cùng dự cuộc tiếp xúc có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Trần Thị Hồng An; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng đông đảo cử tri là ngư dân tại 2 điểm cầu TP. Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 4.232 tàu cá; trong đó, có hơn 3.000 tàu dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi. Tổng số lao động trực tiếp sản xuất trên biển khoảng 37.000 người. Ngư dân Quảng Ngãi có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt xa bờ. Tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước, từ vùng biển Vịnh Bắc Bộ đến vùng biển Tây Nam bộ, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 1.736 tàu cá đăng ký tham gia thường xuyên hoạt động tại các vùng biển xa. Hoạt động khai thác hải sản xa bờ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Qua hơn 13 năm thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13.7.2010 của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân toàn tỉnh mạnh dạn đóng mới, nâng cấp tàu cá để tham gia khai thác hải sản. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo được niềm tin để ngư dân yên tâm bám biển. Nhiều chủ tàu đã tăng số lượng chuyến tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực Nhà giàn DK1 và các ngư trường khác, góp phần gia tăng đáng kể sự hiện diện của tàu cá Việt Nam trên các vùng biển.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cũng khẳng định, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư, đưa vào sử dụng 2 cảng cá (Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ), 3 khu neo trú tàu thuyền (Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á). Các công trình trên đã đem lại những lợi ích thiết thực cho chủ tàu, ngư dân; tạo nơi neo đậu tránh trú bão an toàn; cung cấp các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của ngư dân trong và ngoài tỉnh... Qua đó, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương ven biển.
Tuy nhiên, các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền vẫn chưa đáp ứng được số lượng tàu thuyền trên địa bàn. Vào mùa mưa bão tàu thuyền vẫn phải neo đậu tại các cửa sông. Nhiều bến cá hình thành tự phát, không an toàn khi có bão lũ.
Để phát huy hiệu quả hoạt động các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, ngư dân trong tỉnh kiến nghị, Trung ương và tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng hiện có và tiếp tục đầu tư các cảng cá, khu neo đậu trú bão mới theo quy hoạch.
Ngư dân các xã ven biển trên địa bàn cũng mong muốn, cấp có thẩm quyền có chủ trương để ngư dân được sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) thay cho máy nhắn tin VX-1700 để được hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13.7.2010 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg; trong đó, có nội dung sử dụng dữ liệu VMS làm căn cứ xác nhận vị trí hoạt động của tàu để thực hiện hỗ trợ cho ngư dân.
Cử tri cũng kiến nghị, Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó, có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan bố trí kinh phí hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch. Cụ thể: cảng cá kết hợp khu neo đậu trú bão tàu cá Sa Huỳnh (cảng cá loại I); cảng cá kết hợp khu neo đậu trú bão tàu cá Cổ Lũy (cảng cá loại II); Cảng cá Đức Lợi (cảng cá loại III).
Tại cuộc tiếp xúc, đại diện một số sở, ngành, địa phương trực tiếp giải đáp các nội dung cử tri quan tâm.
Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri là ngư dân và các kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy khẳng định, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp, chuyển tải đầy đủ các ý kiến đến các cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi của ngư dân trên địa bàn.