Tham dự hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, GS.TS Vũ Hải Quân; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Lê Quân.
Cùng dự có các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá chủ đề Hội thảo rất thiết thực và có tính thời sự cao, nhất là trong thời điểm các cấp, các cơ quan Trung ương đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TW ngày 14.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
"Việc đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực tế là yêu cầu quan trọng để từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là bất cập về thể chế, chính sách để tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo trong đào tạo, cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Thời gian qua, lĩnh vực giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quy mô giáo dục đại học, công tác quản lý, quản trị đại học có bước phát triển và nhiều đổi mới. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc. Thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực giáo dục đại học còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ đại học.
"Giáo dục đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, mà còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển tri thức, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước, tạo động lực mới cho hội nhập, phát triển bền vững".
Khẳng định điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, "nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách pháp luật được coi là yếu tố then chốt đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khung khổ pháp lý cho việc tổ chức, vận hành; là công cụ hữu hiệu để quản lý phát triển các hoạt động của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội diễn ra theo đúng mục tiêu đã xác định".
Với ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng về chất lượng giáo dục đại học từ tác động của thể chế, chính sách, dưới các góc độ khác nhau từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động, doanh nghiệp xã hội. Đặc biệt, cần làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách, đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm về: chính sách nâng cao chất lượng chuyên môn học thuật; Đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học; chính sách về nguồn lực đầu tư; chính sách về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học; chính sách xã hội hoá giáo dục đại học; về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và giáo dục đại học gắn với việc làm sau khi ra trường.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, giáo dục đại học là dịch vụ công đặc biệt, có sứ mệnh truyền bá tri thức, phát triển con người, phát triển tri thức, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho phát triển, mang lại hiệu quả trực tiếp và lợi ích lâu dài cho người học và gia đình cũng như cho cả nền kinh tế và toàn xã hội.
Chỉ ra những nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế chất lượng giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cơ chế đánh giá, giám sát chất lượng chưa hiệu quả, thực chất; hành lang pháp lý về tự chủ đại học chưa đồng bộ, năng lực quản trị của một số cơ sở giáo dục đại học còn yếu; hệ thống cơ sở giáo dục đại học còn phân mảnh, chưa tối ưu hóa; nguồn lực đầu tư rất thấp, phân bổ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học chưa hiệu quả...
Do đó, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, cần tăng cường các yếu tố tác động tới chất lượng như: đánh giá, giám sát chất lượng; tối ưu hóa hệ thống (về cấu trúc, quản trị và hoạt động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực); huy động, phát triển các nguồn lực (tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất và công nghệ, các quan hệ hợp tác); phân bổ và kiểm soát hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học (tiêu chí, cơ chế…).
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học phục vụ phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới; chính sách xã hội hóa và vai trò của giáo dục đại học tư thục tại Việt Nam; một số vấn đề tài chính trong tự chủ đại học…
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, phát triển giáo dục đại học thể hiện ở ba yếu tố: quy mô, cơ cấu và chất lượng. Trong đó, chất lượng là thước đo rất quan trọng đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực đặt ra đối với giáo dục đại học. Đồng tình với ý kiến cho rằng cần có đột phá về chất lượng giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nêu rõ, cần có những định hướng chính sách mang tính trọng tâm, trọng điểm đối với giáo dục đại học.
Về hoàn thiện thể chế, chính sách cho giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật Giáo dục đại học. Đối với những kiến nghị về vướng mắc, bất cập liên quan đến chính sách, pháp luật và các văn bản dưới luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổng hợp đầy đủ để có nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới.
Riêng nội dung liên quan đến chính sách nhà giáo được quy định tại Luật Công chức, viên chức và nhiều quy định khác. Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho biết, Chính phủ đã thống nhất quan điểm đề xuất xây dựng dự án luật riêng về đội ngũ nhà giáo, nhằm thể hiện sự quan tâm dành cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Trong quá trình xây dựng dự án luật này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẵn sàng lắng nghe, nghiên cứu, để có những đề xuất về đột phá nào liên quan đến thể chế, Ủy ban sẽ cố gắng thể hiện trong các chính sách trong dự án Luật Nhà giáo.