Tại cuộc tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước đã thông tin với cử tri về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Bảy sẽ diễn ra từ ngày 20.5 đến 28.6 (chia làm 2 đợt).
Theo đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật, 3 nghị quyết; sẽ xem xét, cho ý kiến 11 dự án luật. Đồng thời, xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành giám sát tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn; đưa ra quyết định đối với một số vấn đề quan trọng khác; thông qua các nghị quyết và thành lập các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội. Nội dung và khối lượng công việc dự kiến sẽ triển khai tại Kỳ họp lần này sẽ rất lớn.
Nêu ý kiến tại cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Phú Ninh phản ánh về các thủ tục hành chính còn quá rườm rà, nhất là thủ tục điều chỉnh hồ sơ căn cước công dân, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục vay vốn… Cử tri cũng quan tâm đến vấn đề giải quyết các chế độ hỗ trợ cho gia đình diện chính sách, hộ nghèo, chính sách dành cho các cựu chiến binh, thương binh, người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Cử tri Nguyễn Văn Lộ (xã Tam Thái, Phú Ninh) phản ánh tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đang diễn biến phức tạp với nhiều vụ trộm cắp, tệ nạn ma túy gây bức xúc cho người dân; đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trấn áp các loại tội phạm này.
Ngoài ra, cử tri còn phản ánh tuyến đường do huyện Phú Ninh đầu tư gây ra ngập úng. Tình trạng này đã được phản ánh, kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng từ năm 2010 đến nay nhưng chưa được giải quyết.
Một vấn đề được nhiều cử tri phản ánh là quyền lợi cho những thanh niên xung phong sau năm 1975 đi xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh (hồ thủy lợi lớn nhất miền Trung), nhưng suốt nhiều năm qua chưa được quan tâm, hỗ trợ.
Trao đổi với cử tri, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cho biết, vấn đề này đã được Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị đến cơ quan Trung ương cũng như địa phương rất nhiều lần; đã được đưa ra khi Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Luật Thanh niên. Tuy nhiên, đây là vấn đề tương đối đặc thù, vì chỉ ở Quảng Nam mới có thanh niên xung phong sau năm 1975 tham gia xây dựng công trình thủy lợi chứ không phải là vấn đề chung của cả nước.
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của cử tri và cho biết sẽ làm việc trực tiếp với Tỉnh ủy Quảng Nam để nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ cho lực lượng này.
Cử tri Võ Quang Hường (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) cho biết, vấn đề quy hoạch, thu hút nhà đầu tư vào Phú Ninh là chủ trương đúng đắn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Nhưng khi thu hút được doanh nghiệp, thì phải có cơ chế để theo dõi, giám sát việc xây dựng nhà máy đồng bộ với hệ thống thoát nước, tránh tình trạng ngập úng, xả thải ô nhiễm môi trường.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Huỳnh Xuân Chính đã giải đáp, hướng dẫn chuyển đơn đối với từng vấn đề cụ thể đến UBND xã hoặc phòng chuyên môn của huyện để được giải quyết. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh hoặc Trung ương thì Đoàn ĐBQH sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, đồng thời có những điều chỉnh trong việc ban hành các chính sách, pháp luật của Quốc hội.
Liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi, ghi nhớ công lao của lực lượng thanh niên xung phong sau năm 1975 khi tham xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vấn đề này đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và địa phương cũng đang nỗ lực để giải quyết. Tuy nhiên, việc hình thành một chính sách hỗ trợ cho lực lượng này cũng cần phải tính toán, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành...
Liên quan đến những kiến nghị, phản ánh về đất đai trên địa bàn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới và sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2025. Chính phủ đang nỗ lực xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống. Trong đó, có các quy định bảo đảm các quyền lợi của người dân khi Nhà nước thu hồi đất cũng như tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.