Cùng đi có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn giám sát; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị cùng các sở, ban, ngành có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã khảo sát thực tế tại Km 48 - Nút giao TL9B thuộc cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Báo cáo với Đoàn, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư dự án) Lê Sáu cho biết, thời gian qua, trên tuyến cao tốc này đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến, hiện chủ đầu tư và các đơn vị quản lý đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, có việc gắn thêm hệ thống đinh cản quang trên đường, lắp thêm các bảng cảnh báo, sơn vạch kẻ đường...
Tại đây, Đoàn giám sát lưu ý một số vấn đề như: việc bảo đảm hạ tầng thông tin liên lạc, sóng điện thoại, điện chiếu sáng trên tuyến...
Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đây là dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020).
Về nguyên nhân chính của các vụ tai nạn xảy ra thời gian gần đây, Thứ trưởng cho biết, do lỗi của người điều khiển phương tiện, như: lấn làn, vượt làn thiếu quan sát; không giữ khoảng cách an toàn theo chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ trên tuyến.
Bên cạnh đó, còn do quy mô đường mới chỉ có 2 làn xe và chưa thu phí, do vậy các phương tiện (đặc biệt là xe tải, xe khách) đều sử dụng lộ trình tuyến này thay cho lộ trình đi trên Quốc lộ 1 để tránh trạm thu phí, dẫn đến quá tải; tốc độ xe nặng chỉ đạt 30-35Km/h gây ức chế, ùn ứ cho các phương tiện phía sau, dẫn đến nguy cơ vượt ẩu…
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh, tổ chức lại hệ thống biển báo hiệu đường bộ phù hợp với tình hình giao thông thực tế (bổ sung biển báo; điều chỉnh vạch sơn tim đường từ nét liền thành nét đứt đối với các đoạn tuyến thẳng, bảo đảm tầm nhìn…). Tổ chức đếm xe để phân luồng cho phù hợp với lưu lượng, tính chất dòng xe thực tế; điều tiết, phân luồng một số loại xe đi theo Quốc lộ 1 để tránh quá tải đối với quy mô 2 làn xe của tuyến.
Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn bằng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đồng thời, do tình hình giao thông trên tuyến phức tạp, Bộ kiến nghị cần cho phép triển khai theo hình thức dự án đầu tư công khẩn cấp quy định tại Luật Đầu tư công (trình tự thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp) để hoàn thành trong năm 2025. Trong quý II.2024, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường ô tô cao tốc, và về cơ bản sẽ không còn đường ô tô cao tốc phân kỳ 2 làn xe.
Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư mở rộng các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác và đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe. Trong đó, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.
Đối với đoạn cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau hơn một năm khởi công, toàn tuyến đã thi công khối lượng đạt 27%, có một số đoạn đã hoàn thành 36%, một số đoạn đã thảm nhựa.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số địa phương còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; bố trí tái định cư cũng như một số công trình chưa thể di dời; việc giải phóng mặt bằng, "mỗi địa phương làm một kiểu" nên rất khó khăn.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng đánh giá cao những cơ chế, chính sách đặc thù Quốc hội ban hành đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công cao tốc như: được chủ động trong khâu vật liệu để tránh bị nâng giá, chỉ định thầu giúp rút ngắn thời gian thi công...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện còn vướng khâu giải phóng mặt bằng, do liên quan đến đất tái định cư, dẫn tới còn chậm so với tiến độ đề ra.
Ngoài ra, việc cấp phép khai thác mỏ đất (mỏ vật liệu xây dựng) đang vướng thủ tục, bởi quy định nhà thầu phải tự thỏa thuận giá với người dân (vì mỏ đất thuộc phần đất đã giao cho người dân). Do đó, việc thoả thuận giá rất khó. Hơn nữa, mỏ đất đắp không phải là hạng mục thuộc dự án nên không thể thu hồi, vì vậy cần đưa mỏ đất đắp vào hạng mục dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị cũng như Bộ Giao thông vận tải trong việc phối hợp triển khai thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng đối với các dự án cao tốc được hưởng cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Đối với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường này.
Với các dự án đang triển khai là Vạn Ninh - Cam Lộ và Bùng - Vạn Ninh, Đoàn giám sát ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong việc chậm triển khai dự án cũng như giải phóng mặt bằng…; nêu rõ, những kiến nghị này sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, báo cáo Quốc hội, đồng thời gửi tới Chính phủ để giải quyết các vấn đề phát sinh qua thực tiễn giám sát.