Tham dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ… là thành viên Đoàn giám sát.
Về phía UBND TP. Đà Nẵng có: Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, từ năm 2015, ngay sau khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực thi hành, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai… Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản trên địa bàn nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Trong giai đoạn 2015 - 2023, Đà Nẵng đã giải quyết nhu cầu nhà ở cho Nhân dân đối với gần 33.500 trường hợp; quan tâm bố trí vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý để phát triển nhà ở xã hội và quản lý thị trường bất động sản bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản giai đoạn từ năm 2020 đến nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; việc xử lý các dự án theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án có tranh chấp còn chậm; thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (nhất là thủ tục lựa chọn chủ đầu tư) còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch được duyệt…
Hiện nay Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành khác đang gặp khó khăn, vướng mắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mà nhà đầu tư “không có quyền sử dụng đất ở” (6 dự án). Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác. TP. Đà Nẵng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm này, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn, khơi thông nguồn lực đất đai.
Đối với Chính phủ, TP. Đà Nẵng kiến nghị tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đề nghị ban hành quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội, rút ngắn trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, giao quyền cho địa phương quy định tiêu chí ưu tiên xét duyệt hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Đối với Bộ Xây dựng, TP. Đà Nẵng kiến nghị tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội để kịp thời bổ sung vào nội dung các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; nghiên cứu, bãi bỏ thủ tục công bố danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ và thay thế bằng văn bản của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều kiện về hồ sơ pháp lý để các ngân hàng thương mại kiểm tra trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn.
Sau khi nghe lãnh đạo thành phố báo cáo, đại diện hai Tổ công tác (thuộc Đoàn giám sát số 2) đã có thông tin tổng hợp các vấn đề nổi cộm liên quan đến khó khăn, vướng mắc tại các dự án bất động sản, nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố qua khảo sát thực địa ngày 17.7. Trong đó, chỉ rõ những vấn đề còn bất cập, chưa được xử lý dứt điểm, để dự án bị “treo” kéo dài nhiều năm gây tổn hại cho nguồn lực của thành phố cũng như doanh nghiệp.
Qua đó, đề nghị TP. Đà Nẵng làm rõ một số nội dung liên quan đến vấn đề cấp phép thủ tục đầu tư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư; việc chuyển đổi công năng của các khu condotel thành căn hộ chung cư thì xây dựng các thiết chế văn hóa, trường học, bệnh viện… quanh khu vực đó ra sao, tính pháp lý trong vấn đề này như thế nào? Đà Nẵng có câu chuyện “găm hàng” để đẩy giá các căn hộ hay không?
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên Đoàn công tác, đồng thời bổ sung các số liệu còn thiếu, chưa đầy đủ vào báo cáo. Trong đó, cũng sẽ nêu rõ những vấn đề còn vướng mắc, đề xuất, kiến nghị tháo gỡ từ thực tế thực hiện. Lãnh đạo thành phố cũng nêu rõ những dự án đang gặp vướng về cơ chế pháp lý, đề xuất Quốc hội có ý kiến xử lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Đà Nẵng về phát triển nhà ở xã hội, ổn định thị trường bất động sản trong thời gian qua. Qua báo cáo của thành phố, Đoàn giám sát thấy rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cũng như một số bất cập về chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đây là căn cứ quan trọng để Đoàn xây dựng, hoàn thiện báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.
TP. Đà Nẵng với vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của vùng, được Đảng, Nhà nước và Quốc hội ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế theo chiều sâu. Lưu ý vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố tập trung thời gian, nhân lực, trí lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm để thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như của Quốc hội, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Nêu rõ, các Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023 đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm rõ và tách riêng những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ trong các luật này và những vấn đề cần được tiếp tục tháo gỡ để có đề xuất, kiến nghị phù hợp, thể hiện trong báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát trình Quốc hội.