Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương và TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có: TS. Nguyễn Đình Quyền - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tư pháp...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ths. Đinh Thanh Hương, Trưởng Ban Quản lý khoa học - Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, phương thức thu hồi tài sản tham nhũng không qua hình thức kết tội phổ biến tại nhiều quốc gia, nhưng tại Việt Nam, hình thức này còn khá mới mẻ. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định về các biện pháp, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản có liên quan đến hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể và toàn diện thì vẫn còn nhiều bất cập.
Nhấn mạnh Đề tài có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể các quy định của pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội, nhận diện các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật, Trưởng Ban Quản lý khoa học Đinh Thanh Hương đề nghị các chuyên gia góp ý sâu sắc, khách quan, toàn diện, tập trung vào chủ đề của Hội thảo;t hảo luận làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội trong thời gian tới.
Theo Ts. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội là giải pháp hữu hiệu, mang tính đột phá trong công tác thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm, đặc biệt là tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng được nhiều nước vận dụng. Bà Vân Anh cho rằng, việc nghiên cứu hình thành cơ chế này cần xác định rõ phạm vi, điều kiện khởi kiện; nội dung khởi kiện; thẩm quyền khởi kiện và thủ tục thực hiện việc khởi kiện để thu hồi tài sản liên quan tới tội phạm.
Theo TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thiếu nhiều chế định, quy định cơ bản bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện trên thực tế; chưa thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, quan điểm củ Đảng về vấn đề này. Do các quy định nằm rải rác tronh các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nên hầu hết các quy định mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung, thiếu các quy định chi tiết, cụ thể. Ngay cả nội hàm khái niệm, những dấu hiệu đặc trưng của tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cũng quy định chung chung, gây khó khăn trong quá trình hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, pháp luật về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội phải thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, nhất là các nội dung cụ thể về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đã được thể hiện trong các nghị quyết, kết luận của Đảng Cộng sản Việt Nam; đảm bảo phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm đồng bộ, dễ theo đõi và thuận tiện trong áp dụng…
Ghi nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia, TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài nêu rõ, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu làm rõ quan điểm cơ bản nhằm bảo đảm tính đồng bộ, dễ áp dụng, bảo đảm ngưn chặn việc lạm dụng, lợi dụng pháp luật về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội làm ảnh hưởng đến sự gia tăng thu nhập một cách hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham khảo pháp luật quốc tế để đề xuất những kiến nghị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương đánh giá cao ý kiến tham luận, phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương đề nghị, Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện kết quả nghiên cứu đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và mục tiêu đề ra.