Nghiên cứu, thực hiện thí điểm công chứng điện tử đối với một số giao dịch đơn giản

- Thứ Hai, 17/06/2024, 21:41 - Chia sẻ

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đặt vấn đề liên quan đến việc công chứng điện tử, bởi ngoài việc liên quan đến sự thay đổi, điều chỉnh các quy định về đất đai, dân sự, nhà ở, thương mại, doanh nghiệp… còn liên quan đến nạn giấy tờ giả rất phổ biến, ngay cả khi xem trực tiếp, chứng thực trực tiếp còn khó phát hiện ra được.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 17.6, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, quy định tại Mục 3, Chương V dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) mới dừng ở việc chỉnh lý và quy định một số nội dung cốt lõi nhất, các nguyên tắc vẫn còn rất chung chung và giao Chính phủ quy định chi tiết về các vấn đề liên quan như lộ trình thực hiện, cơ sở dữ liệu về công chứng, yếu tố kỹ thuật, công nghệ thông tin… Qua lấy ý kiến, khảo sát tại các phòng công chứng, đại biểu đề nghị có sự thay đổi về phương thức thực hiện chứ không thay đổi bản chất và đặc điểm của công chứng, đó là phải đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc và thận trọng vì để xây dựng đầy đủ khung pháp lý cho công chứng điện tử còn đòi hỏi sự thay đổi, điều chỉnh các quy định về đất đai, dân sự, nhà ở, thương mại, doanh nghiệp, thuế… theo hướng cho phép nhận và xử lý hồ sơ điện tử. Nói cách khác, để xây dựng được thể chế và thúc đẩy tiến trình công chứng điện tử, cần có sự thay đổi lớn hơn trong hệ thống pháp luật. Đặc biệt nạn giấy tờ giả như giả giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, là một trở ngại lớn khi tiến hành công chứng điện tử.

ĐBQH Trần Thị Vân: Nghiên cứu, thực hiện thí điểm công chứng điện tử đối với một số giao dịch đơn giản và quy định rõ lộ trình thực hiện -0
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 17.6. Ảnh: ITN

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, thực hiện thí điểm đối với một số giao dịch đơn giản như giấy uỷ quyền, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp… và có quy định rõ lộ trình thực hiện để đảm bảo yếu tố cốt lõi của hoạt động công chứng.

Theo đại biểu, chỉ có 4/7 yếu tố có thể được các công cụ điện tử thực hiện chính xác và có thể thay thế hoàn toàn con người mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng như Mỹ, Canada, Nhật, Đức… gồm: Bảo đảm tính xác thực về nhân thân: Đúng người (khoản 1, Điều 39 dự thảo luật); Bảo đảm ý chí được thể hiện đúng và đầy đủ: Nội dung giao dịch, chữ ký, điểm chỉ xác nhận (Điều 47, 48 dự thảo luật); Bảo đảm tính xác thực về thời gian, địa điểm tiến hành giao dịch; (Điều 44 dự thảo luật); Bảo đảm tính toàn vẹn và giá trị của chứng cứ trên môi trường điện tử (Điều 11, Luật Giao dịch điện tử).

Tuy nhiên, còn 3/7 yếu tố mà máy móc chưa thể đảm bảo thay thế hoàn toàn được vai trò của con người, cụ thể: Việc xác định năng lực hành vi dân sự của chủ thể thuộc về quyền và trách nhiệm của công chứng viên.

Theo đại biểu, việc này đòi hỏi bắt buộc phải có sự hiện diện trực tiếp của người yêu cầu công chứng trước mặt công chứng viên. Giao tiếp qua phương tiện điện tử là chưa đủ để công chứng viên đánh giá được năng lực hành vi và ý chí tự nguyện của người yêu cầu công chứng; Việc đối soát giấy tờ có thể được thay thế bằng đối soát thông qua cơ sở dữ liệu, trong giai đoạn hiện tại, khi hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được liên thông, chưa có đủ căn cứ để công chứng viên có thế xác thực giấy tờ.

Đại biểu khẳng định, việc đánh giá tính hợp pháp của nội dung giao dịch là công việc chính, công việc quan trọng của công chứng viên. Hoạt động này đòi hỏi chuyên môn và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của công chứng viên, không chỉ là tra cứu văn bản pháp luật, đối chiếu với nội dung giao dịch mà còn đỏi hỏi tư duy logic, phân tích, đưa ra quyết định, nó cũng bao gồm việc giải thích, tư vấn cho người yêu cầu công chứng. Hiện tại, đây là công việc được đánh giá là phức tạp nhất, gắn với trách nhiệm trực tiếp của công chứng viên.

Đại biểu Trần Thị Vân cũng cho rằng, công chứng viên ngoài việc không được đồng thời kiêm nhiệm các công việc khác quy định tại khoản 5, 6, Điều 12 và điểm g, khoản 1, Điều 7 thì hoàn toàn có thể sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp các dịch vụ khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh, chứng thực. Đại biểu đề nghị bỏ quy định như điểm h, khoản 1, Điều 7 của dự thảo luật để không hạn chế quyền kinh doanh hợp pháp của công chứng viên.

Liên quan đến dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Vân đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung “sản xuất” chương trình truyền thanh, truyền hình bằng vốn ngân sách nhà nước cũng thuộc đối tượng không chịu thuế gia trị gia tăng (GTGT) bởi có sản xuất thì mới có phát sóng, phát sóng là khâu cuối chương trình truyền hình, truyền thanh.

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 dự thảo luật về thời điểm xác định thuế GTGT, đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể đối với trường hợp nhà thầu nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thì thời điểm xác định thuế GTGT thực hiện theo thời điểm thanh toán cho phù hợp với thực tế phát sinh.

Về các trường hợp hoàn thuế tại Điều 15, dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về hoàn thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp thường chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp chế xuất có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.

“Trong thực tế, do không có quy định nên có rất nhiều doanh nghiệp khi chuyển loại hình từ doanh nghiệp thường sang doanh nghiệp chế xuất chưa thể xử lý số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết (điển hình như trường hợp của Công ty Samsung tại TP. Hồ Chính Minh vướng mắc khi hoàn thuế GTGT). Tại địa bàn Bắc Ninh hiện nay cũng phát sinh 3 trường hợp tương tự nhưng cũng chưa được giải quyết hoàn thuế”, ĐBQH Trần Thị Vân nêu.

Anh Lương
#