Có nên ngừng cung cấp điện, nước để xử lý vi phạm?
Tại phiên thảo luận Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) chiều 10.11, các đại biểu cơ bản tán thành với việc cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại điểm b Khoản 2 Điều 34 dự thảo Luật về biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cho rằng, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực trong việc bổ sung các quy định về các trường hợp cụ thể được áp dụng biện pháp này cũng như trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp, song trong Ủy ban vẫn còn một số ý kiến băn khoăn đối với các quy định này bởi đây là biện pháp không chỉ tác động đến tổ chức, cá nhân có công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi sai phạm mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của các công dân đang sinh sống, lao động tại các công trình, cơ sở đó một cách ngay tình.
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các trường hợp áp dụng biện pháp và quy định trình tự, thủ tục áp dụng chặt chẽ để bảo đảm thực sự thích đáng và có tính khả thi, phát huy được hiệu quả khi thực hiện, tránh tùy tiện và lạm dụng trong áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết lại tán thành quy định này. Đại biểu lý giải, trước đây, khi sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có nhiều ý kiến đề nghị áp dụng biện pháp này, song lại có đại biểu cho rằng quy định như vậy ảnh hưởng đến quyền con người.
Theo đại biểu Tuyết, cần phân định rõ việc ngừng cung cấp điện, nước nhằm không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, hoặc để doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất xả thải ra môi trường, chứ không phải ngừng cung cấp điện, nước cho hộ gia đình người đó sử dụng. Vì thế, quy định như trong dự thảo Luật cần được ủng hộ, đại biểu kiến nghị.
Phân cấp mạnh hơn cho “thành phố trong thành phố”
Thống nhất với việc trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh tỏ ý băn khoăn với mô hình “thành phố trong thành phố” khi dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn còn khá mờ nhạt, chủ yếu là quyền liên quan tổ chức bộ máy. “Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu thêm để phân cấp mạnh hơn cho mô hình này”, đại biểu đề nghị.
Cũng theo đại biểu Hồng Hạnh, trong báo cáo giải trình và thẩm tra có nêu rõ mô hình “thành phố trong thành phố” chưa tồn tại ở Hà Nội, do đó cần có thời gian. Song, theo đại biểu, thể chế cần phải đi trước.
Dẫn thực tiễn TP. Hồ Chí Minh đã có mô hình thành phố trong thành phố (TP. Thủ Đức) từ mấy năm nay, đại biểu cho rằng, đây cũng là một dẫn chiếu để có thể xem xét trong việc ban hành quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), để quy định nhiệm vụ, quyền hạn nhiều hơn cho xứng tầm với mô hình mới.
Còn theo ĐBQH Nguyễn Minh Đức, Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm tiến bộ để Thủ đô phát triển, song cần rà soát và cụ thể hóa 9 nội dung được quy định trong Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Nghị quyết có nêu về việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới. Muốn vậy, đại biểu cho rằng, cần phải gắn với chuyển đổi số; con người trong bộ máy phải có trình độ ngoại ngữ, trình độ công nghệ thông tin mới đáp ứng được yêu cầu.
Cùng với đó là yêu cầu hoàn thiện quy định về quy hoạch, quản lý đô thị. Thực tế hiện nay, dân số quá tải, hạ tầng giao thông eo hẹp. Vì thế, cơ chế trong Luật cần phải bứt phá để cụ thể hóa Nghị quyết, phải có đánh giá đầy đủ về hệ thống giao thông.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, hướng đến Thủ đô hiện đại là phải đưa dân vào các khu đô thị, dành đất cho giao thông, cây xanh, giải trí công cộng…; có đường sắt đô thị, tàu điện ngầm. Hay toàn bộ các công trình ở khu vực ngoài đê sông Hồng thì địa vị pháp lý như thế nào?... Những điều này cần được tính toán thật đầy đủ, có đánh giá, có cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) mới giải quyết được, đại biểu lưu ý.
Theo ĐBQH Phan Văn Mãi, TP. Hồ Chí Minh đã sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố. Quá trình triển khai thực hiện đã có nhiều kết quả, song cũng còn nhiều vướng mắc cần phải điều chỉnh.
Với cách tiếp cận Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu mong muốn có khung pháp lý đủ lớn, phù hợp với TP. Hồ Chí Minh. Hiện, theo đại biểu, có thể đặt vấn đề chưa sửa Nghị quyết số 131 mà xin một cơ chế ở Nghị quyết chung của Kỳ họp lần này là các vướng mắc có thể giải quyết bằng văn bản dưới Nghị quyết, tức Nghị định, thông tư, hướng dẫn của Chính phủ, của các bộ ngành; vận dụng cơ chế chính sách có được từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Đại biểu đề nghị cần tập trung chuẩn bị, nghiên cứu bài bản, khoa học, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có được khung pháp lý lớn hơn, phù hợp hơn cho TP. Hồ Chí Minh.