Tham dự có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban Công tác đại biểu; đại diện Ban Pháp chế HĐND một số tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà nghiên cứu…
Hội thảo nhằm triển khai thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2023 của Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả họat động giám sát của HĐND” do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh làm Chủ nhiệm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, cùng với việc đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, HĐND và thực hiện các quy định của pháp luật, hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát theo hướng lựa chọn, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của địa phương, những vấn đề mới phát sinh và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; từ sự mong muốn và phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân...
Đồng thời, hoạt động giám sát của HĐND đã phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, qua đó ngày càng góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng chỉ rõ, hoạt động giám sát của HĐND các cấp vẫn chưa thực hiện được hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Những hạn chế, bất cập trong hoạt động giám sát có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong nguyên nhân khách quan có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND. Một số quy định chưa sát với thực tế, còn thiếu quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; thiếu quy định về trình tự, thủ tục thực hiện một số phương thức hoạt động giám sát của HĐND…
Để bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND ngày càng thực chất, hiệu quả, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ về thực trạng quy định pháp luật và thực thi pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND; đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện quy định pháp luật giúp hoạt động giám sát của HĐND ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả.
Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí cho rằng, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND, là hoạt động cơ bản, thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nêu rõ, giám sát chuyên đề, tái giám sát của HĐND còn ít; việc thực hiện kết luận sau giám sát của một số đơn vị còn hạn chế; một số nội dung, lĩnh vực giám sát chưa trọng tâm, chưa sát thực tế. Số lượng các phiên chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã còn chưa đồng đều, chất lượng chưa cao.
Do đó, các đại biểu kiến nghị, cần nghiên cứu tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách để tăng cường năng lực giám sát của HĐND. Thường trực HĐND các cấp quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức để nâng cao năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm trong giám sát của đại biểu HĐND các cấp. Quá trình giám sát phải tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan dân cử với cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật; phải đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả; tăng cường theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các kiến nghị, kết luận qua giám sát.
Một số ý kiến cũng nhấn mạnh, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giám sát của HĐND, không chỉ phải đổi mới từng hình thức giám sát mà cũng cần tăng cường các yếu tố bảo đảm, yếu tố con người, truyền thông cũng như mối liên hệ giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình giám sát.