Tham dự và đồng chủ trì hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu mở đầu hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) vào chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, các đại biểu tập trung phát biểu, cho ý kiến về những vấn đề chính sách lớn, những vấn đề về quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án luật; về sự đầy đủ, phù hợp của hồ sơ dự án luật và việc đáp ứng đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét hay chưa; về một số vấn đề trọng tâm của dự án luật theo gợi ý của Thường trực Ủy ban cũng như các vấn đề khác mà các đại biểu quan tâm, đặc biệt về việc cụ thể hóa 4 chính sách lớn của dự thảo luật gồm: Chính sách phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Chính sách quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Chính sách quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; Chính sách nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Trình bày dự thảo Báo cáo về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương Phùng Mạnh Ngọc cho biết, dự thảo Luật gồm 10 chương, 89 điều, trong đó có quy định về chính sách của Nhà nước đối với việc phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng kế thừa quy định tại Luật Hóa chất năm 2007; đồng thời sửa đổi, bổ sung theo các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được xây dựng trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bổ sung các quy định về yêu cầu đối với nội dung, xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất.
Cục trưởng Cục Hóa chất nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, đặc biệt bao gồm các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cần ưu tiên phát triển để cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ sức khỏe người dân, hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ, các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất theo hướng: bổ sung điều kiện về chuyên môn hóa chất đối với tư vấn thực hiện các hoạt động xây dựng; điều kiện chuyên môn, cấp chứng chỉ đối với một số hoạt động tư vấn liên quan trực tiếp đến công nghệ và an toàn hóa chất. Việc bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn hóa chất, bảo đảm quyền lợi cho các chủ đầu tư dự án, lựa chọn được các giải pháp công nghệ, xây dựng an toàn, phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm chi phí…
Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu cũng khuyến nghị, dự thảo Luật cần chú trọng phát triển hóa học xanh, đây là ngành công nghiệp phát triển hóa chất bền vững. Đánh giá cao dự thảo Luật đã quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất, có ý kiến đề nghị, cần có quy định về tư vấn trong thiết kế, xây lắp công nghiệp hóa chất; liệt kê các hoạt động kiểm soát hóa chất đặc biệt và hóa chất nguy hiểm; chú trọng đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro trong khâu thiết kế, xây dựng kế hoạch ngăn ngừa hóa chất độc hại như thế nào; làm rõ thêm hệ thống thông tin và cảnh báo về hóa chất nguy hiểm…