Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)

Gỡ vướng mắc trong đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet

- Thứ Tư, 25/10/2023, 18:07 - Chia sẻ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, chiều nay, 25.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).

Giao địa phương quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Điều 13, 47 và 67), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định các doanh nghiệp bắt buộc phải cam kết dùng chung và chia sẻ hạ tầng; bổ sung nội dung quy định về giá thuê hạ tầng dùng chung.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại điểm b khoản 4 Điều 13 đã bổ sung quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ cho thuê hạ tầng viễn thông; bổ sung quy định hiệp thương giá nếu các bên không thoả thuận được về giá chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (khoản 3 Điều 47); bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (điểm d khoản 1 Điều 67).

Mặt khác, một số ý kiến đề nghị giao cho địa phương quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng và đã bổ sung tại khoản 3 Điều 47 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về viễn thông thuộc UBND cấp tỉnh về nội dung này.

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet (Điều 48, 50 và 53), Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị cần tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm triển khai việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá; quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân. Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày. Đồng thời, quy định trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định chuyển tiếp

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành công phu, khoa học và cầu thị.

Quan tâm về quy định đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình với nội dung tại điểm c, khoản 4, Điều 50 dự thảo Luật về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính trong một ngày.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, trong thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao hơn so với giá khởi điểm. Do đó, cần phân nhóm số thuê bao có giá trị tiềm năng cao vì vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy. Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra trường hợp bỏ cọc khi nhiều số thuê bao trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỉ đồng, người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc tương đương với 262 nghìn đồng.

Liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) ghi nhận dự thảo Luật đã sửa đổi nhiều nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hoạt động dịch vụ viễn thông công ích một cách phù hợp hơn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định về tổ chức, hoạt động, nguồn kinh phí, sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động bộ máy của Quỹ còn chưa cụ thể, chưa bảo đảm chi tiết để có thể thực hiện hiệu quả.

Dự thảo Luật có liệt kê các điều kiện cụ thể như: điều kiện để giao nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối; điều kiện đặt hàng hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích; điều kiện đấu thầu, cung cấp sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối; điều kiện hỗ trợ trực tiếp đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối; các điều kiện khác. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị làm rõ nội dung của “các điều kiện khác”, đồng thời cần rà soát, sửa đổi lại nội dung nghị định về quy định chi tiết.

Một số ý kiến cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định chuyển tiếp; việc lắp đặt các công trình viễn thông trên trụ sở công phải bảo đảm an toàn, an ninh cho cơ quan, tổ chức quản lý trụ sở, tài sản công. Việc lắp đặt các trạm thu phát sóng phải an toàn và bảo đảm sức khỏe sinh hoạt cho người dân xung quanh, không làm ảnh hưởng đến hoạt động, thiết bị, cơ sở vật chất của các cơ quan nhà nước, đơn vị, người dân.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo Luật như: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, tính thống nhất với hệ thống pháp luật... Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Minh Trang
#