Thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An cho biết, thực hiện kế hoạch của Ủy ban ngày 1.3.2023 về khảo sát việc thực thi pháp luật BVMT, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo về thực trạng xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải; tình trạng ô nhiễm tại các sông thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải; kết quả kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT, nhất là việc các cơ quan chức năng ở tỉnh thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác BVMT tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp; giải pháp thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật BVMT của các cụm công nghiệp; tăng tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; chuẩn bị triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện chỉ tiêu về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp theo Chiến lược BVMT quốc gia…
Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Phú cho biết, công tác BVMT thời gian qua nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án khu xử lý chất thải tập trung còn chậm. Nhiều làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, dù đã thực hiện một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, nhưng chưa hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64 của Chính phủ.
Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải diễn ra nhiều năm nay, gây bức xúc dư luận xã hội nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, hiệu quả. Cùng với đó, hệ thống thu gom nước thải đô thị chưa qua xử lý tập trung cũng chưa đáp ứng yêu cầu (hiện nay mới có công trình thu gom xử lý nước thải của thành phố Hưng Yên và các dự án khu đô thị). Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT chưa thường xuyên, kịp thời; chưa quyết liệt trong kiểm tra, trinh sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi xả thải rác thải, nước thải của cá nhân, hộ gia đình…
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên làm rõ kết quả kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT, nhất là việc kiểm tra, thanh tra công tác BVMT tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó có Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai, huyện Văn Lâm.
Thực tế, qua khảo sát thực tế cho thấy Cụm công nghiệp này có Trạm xử lý nước thải công suất 400m3 nhưng đã ngừng hoạt động từ Quý I.2023, trong khi các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp vẫn hoạt động. Câu hỏi đặt ra là: vậy hàng ngày hơn 400m3 nước thải chưa qua xử lý sẽ chảy đi đâu, có khả năng xả thẳng ra môi trường hay không? Nếu có, thì trách nhiệm thuộc về ai?
Cũng qua khảo sát tại Khu công nghiệp dệt may Phố Nối, còn một nội dung về phòng ngừa sự cố môi trường chưa khắc phục xong với lý do không có quỹ đất để xây dựng hồ sự cố. Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên và doanh nghiệp cần làm rõ để bảo đảm phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố của hệ thống xử lý nước thải của cả 2 giai đoạn.
Giải trình với Đoàn giám sát, đại diện các sở, ngành của Hưng Yên cho biết, đã có giải pháp ứng phó với vấn đề ô nhiễm tại hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, trong lúc chờ triển khai xây đập dâng để ngăn ô nhiễm, ngành nông nghiệp đã đề xuât xây dựng các trạm bơm dã chiến để tạo dòng chảy giúp giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn nước vào mùa khô.
Về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, nước xả thải chưa qua xử lý ở một số cụm công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy khẳng định, Hưng Yên sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, hậu kiểm để các doanh nghiệp, chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư hạ tầng, tập trung hơn nữa trong việc bảo đảm môi trường và chất lượng sống của người dân.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Hưng Yên tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thông tin số liệu về công tác BVMT; bổ sung kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán; thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn các kiến nghị về cơ chế, chính sách BVMT cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện; và gửi báo cáo bổ sung đến Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất.
Đối với những vướng mắc cụ thể tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Phó Chủ nhiệm UB Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, trách nhiệm đã được chỉ rõ thuộc về các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư, chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra về BVMT là của UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.
Đối với các dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện các công trình xử lý chất thải, chưa được cấp Giấy phép môi trường phải xem xét, xử lý vi phạm hành chính; yêu cầu khắc phục, xây dựng, hoàn thiện các công trình BVMT để được cấp phép theo quy định. Đồng thời, tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có xả nước thải ra lưu vực Bắc Hưng Hải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các các quy định pháp luật về BVMT. Trong đó, khẩn trương thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền, được nêu trong kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xử lý ô nhiễm môi trường của hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Đặc biệt, Hưng Yên cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm khắc, kịp thời ngăn chặn những trường hợp không tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT, trước mắt cần có giải pháp khắc phục tình trạng Trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp Minh Khai ngừng hoạt động.