Theo Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, giai đoạn từ năm 2015 - 2023, trên địa bàn thành phố có 38 dự án bất động sản về nhà ở, dân cư, tái định cư, đô thị đã có chủ trương, còn hiệu lực pháp lý và đang thực hiện; khoảng 137.146 nền và hơn 42 nghìn nhà ở riêng lẻ được giao dịch buôn bán, chuyển nhượng; có 821 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bất động sản đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đăng ký 25.605 tỷ đồng.
Về nhà ở xã hội, trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 - 2023 không có dự án nào do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư. Các dự án nhà ở xã hội phần lớn nằm tại khu vực đô thị và khu công nghiệp đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, gồm 6 dự án, dự kiến cung ứng 2.549 căn hộ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 10.000 người. Hiện tại, có 3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, 3 dự án đang tiếp tục được triển khai xây dựng.
Theo UBND TP. Cần Thơ, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố còn rất lớn so với các dự án đã và đang đầu tư. Thành phố đã quan tâm bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án còn chậm hoặc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện dẫn đến chậm tiến độ; đối tượng được xét duyệt mua nhà ở xã hội khó tiếp cận chính sách do nhiều thủ tục chưa rõ ràng, đơn cử như quy định điều kiện để được xét duyệt là không có nhà ở, đất ở, nhưng chưa xác định rõ phạm vi “không có nhà ở, đất ở” là trên địa bàn quận, huyện, địa bàn thành phố hay trên phạm vi cả nước.
Cùng với đó, các dự án nhà ở xã hội mang lại lợi nhuận không cao, việc thu hồi vốn kéo dài, việc thực hiện quy trình xét duyệt đối tượng, trình phê duyệt giá bán, giá cho thuê và thực hiện bán, cho thuê nhà ở thuộc dự án còn nhiều bước, hồ sơ thủ tục phức tạp... nên chưa thu hút được các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quan tâm, tham gia đầu tư.
Đại diện các sở, ngành TP. Cần Thơ đã nêu một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dânnhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới như: được đầu tư linh hoạt hơn trong phương án kinh doanh phần 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án thương mại; được điều chỉnh giá bán trong trường hợp vì lý do khách quan, giá vật liệu xây dựng, nhân công… vượt quá dự kiến đầu tư; có cơ chế giao đất theo từng đợt đối với phần diện tích đã được bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Tại buổi làm việc, các thành viên Tổ công tác ghi nhận ý kiến, kiến nghị của địa phương; đồng thời trao đổi, đề nghị đại diện các sở, ngành phân tích, chỉ rõ hơn, cụ thể hơn những nội dung còn vướng mắc trong văn bản pháp luật nào, nhất là các văn bản dưới luật nào...
Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, TP. Cần Thơ đã có các phương án thực hiện khá tốt, nhưng vẫn còn một số khó khăn trong tiếp cận chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ của các ngân hàng khiến việc giải ngân còn hạn chế. Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo cụ thể những vướng mắc ghi nhận được từ thực tế để từ đó, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả hơn chủ trương phát triển nhà ở xã hội.