Cùng dự có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… là thành viên Đoàn giám sát.
Tham dự, về phía tỉnh Hưng Yên có: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Lê Huy; Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đào Hồng Vận; đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo UBND thị xã Mỹ Hào, huyện Văn Giang; đại diện nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án khu đô thị, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Theo báo cáo của UBND thị xã Mỹ Hào và huyện Văn Giang, trong những năm qua sự phát triển của thị trường bất động sản đã tạo nhiều động lực tăng trưởng cho các ngành nghề trên địa bàn thị xã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thu hút các nguồn lực, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển (xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động…), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, phát triển đô thị… Tuy nhiên, cùng với thay đổi của thị trường bất động sản cả nước, tại thị xã Mỹ Hào đang gặp khó khăn trong tình trạng thanh khoản kém và nguồn cung hạn chế; nguồn cung nhà ở thương mại mới sụt giảm do việc siết chặt các thủ tục pháp lý; các dự án nhà ở thương mại cũ bị chậm tiến độ do khó khăn về giải phóng mặt bằng…
UBND thị xã và huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, phường tập trung các nguồn lực đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật, quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện công khai, dân chủ; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, UBND thị xã Mỹ Hào tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiến hành đẩy nhanh các thủ tục pháp lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng theo thẩm quyền nhằm sớm đưa dự án nhà ở xã hội vào khai thác, sử dụng đúng quy định.
Đại diện các doanh nghiệp bất động sản tham dự cuộc làm việc thống nhất cho rằng, các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua đã tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài...
Tuy nhiên, trong thực hiện các dự án nhà ở xã hội còn gặp một số vướng mắc, nhất là bên cạnh thực hiện các thủ tục chung, như với các dự án nhà ở thương mại, thì dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm thủ tục xác nhận đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội, định giá bán, giá cho thuê... khiến các thủ tục thực hiện với những dự án này kéo dài.
Hay như, suất vốn đầu tư cho nhà ở xã hội theo quy định hiện hành sẽ thấp hơn suất vốn đầu tư cho nhà ở thương mại, trong khi chi phí và suất vốn đầu tư thực tế của dự án nhà ở thương mại cao hơn so với quy định. Quy định hiện hành làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhà ở xã hội và sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Một số doanh nghiệp cũng phản ánh chưa tiếp cận được chương trình vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, giám sát chuyên đề này của Quốc hội được triển khai nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2023; làm rõ các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn và nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất các giải pháp, kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương…
Qua khảo sát thực tế tại 2 dự án nhà ở thương mại, làm việc với UBND huyện Văn Giang, UBND thị xã Mỹ Hào, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đã nắm bắt rõ tác động của các quy định pháp luật cả về thuận lợi và khó khăn, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc hiện nay đã được tháo gỡ như thế nào bởi Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2024. Đồng thời, ghi nhận nhiều đề nghị, kiến nghị hữu ích từ doanh nghiệp, địa phương trong xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành các luật nêu trên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024, qua đó tạo động lực để phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội đáp ứng đòi hỏi của thực tế.
Ghi nhận các vướng mắc trong thực hiện những quy định về quy hoạch 1/500 với khu đô thị, bất động sản khu công nghiệp, điều kiện mua nhà ở xã hội, suất đầu tư với nhà ở xã hội, bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng… được doanh nghiệp, hiệp hội, các địa phương phản ánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, rà soát, làm việc với các cơ quan chức năng xác định giải pháp tháo gỡ, đưa vào báo cáo kết quả giám sát những kiến nghị hữu ích cho hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan.