ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu): Cần bảo đảm an toàn, an ninh mạng về giao dịch điện tử

- Thứ Tư, 02/11/2022, 13:14 - Chia sẻ

Góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại thảo luận tổ sáng ngày 2.11, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng: việc Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện dự án Luật Giao dịch điện tử, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của luật hiện hành, là yêu cầu cấp thiết, phù hợp tình hình thực tiễn.

Đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp

Phát biểu về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết: Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có hiệu lực từ ngày 1.3.2006, được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Sau 16 năm thực hiện, luật đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tạo hành lang pháp lý hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế - xã hội, môi trường; phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, việc Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện Dự án Luật Giao dịch điện tử, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động; khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, là yêu cầu cấp thiết, phù hợp tình hình thực tiễn.

Cần bảo đảm an toàn, an ninh mạng về giao dịch điện tử -0
ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) điều hành phiên thảo luận tổ 8

Cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất

Dự thảo Luật gồm 8 Chương, 57 Điều, kế thừa các quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, trong đó sửa đổi 30 điều, bổ sung 26 điều, bãi bỏ 23 điều so với luật hiện hành.

Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ĐBQH Nguyễn Thị Yến đề nghị: Ban soạn thảo rà soát kỹ các nội dung của điều, khoản luật bảo đảm phù hợp toàn diện với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đơn cử, một số cam kết FTA (Điều 14.9), CPTPP (Điều 13.4) chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật như: định nghĩa “chứng thực điện tử”; quy định việc không yêu cầu nộp văn bản giấy để đối chiếu với văn bản điện tử; quy định việc tổ chức, cá nhân có thể xuất trình văn bản điện tử trong các thủ tục với cơ quan nhà nước nếu phù hợp…

bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Công chứng, Luật Hộ tịch, Luật Kế toán, Bộ luật Dân sự cũng như các luật đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)…

Rà soát nội dung về trách nhiệm của các bên xử lý dữ liệu

Góp ý vào nội dung Chương VII – An toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, ĐBQH Nguyễn Thị Yến cũng cho biết: qua nghiên cứu thực tiễn và ý kiến của các chuyên gia một trong những hạn chế, bất cập của Luật Giao dịch điện tử hiện hành là đã có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong giao dịch điện tử nói chung.

 Tại thời điểm Luật được ban hành năm 2005, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Và khi Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng ra đời lần lượt vào năm 2015, 2018, hệ thống các văn bản hướng dẫn từ đó đến nay đã hình thành hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng khá cụ thể.

Do đó, đại biểu cho rằng: việc dự thảo Luật đã thiết kế Chương VII với 2 Điều dẫn chiếu (Điều 53 và 54), yêu cầu tuân thủ các quy định của hai luật nêu trên để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời bổ sung chi tiết nội dung về bảo vệ thông điệp dữ liệu, trong đó, nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan là cần thiết.

Tuy vậy, đại biểu cũng cho rằng: theo khoản 4, Điều 3 dự thảo luật về giải thích từ ngữ nêu: “Phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện điện tử khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự”. Vì vậy, cần bổ sung quy định việc bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử không chỉ thực hiện theo Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng mà cả Luật Công nghệ thông tin, cho nên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung dẫn chiếu Điều 53 dự thảo Luật đến Luật Công nghệ thông tin.

Mặc khác, Điều 53 Dự thảo Luật quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi tiến hành các giao dịch điện tử”. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận thấy: quy định tại Điều này mới chỉ là nghĩa vụ của các chủ thể trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi tiến hành giao dịch điện tử một cách thụ động; chưa thể hiện được quyền chủ động của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát và bổ sung những quy định chung về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử.

Rà soát nội dung về trách nhiệm của các bên xử lý dữ liệu

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Yến: Căn cứ Điều 9 về “Phân loại thông tin” và Điều 21 “Phân loại theo cấp độ an toàn hệ thống thông tin” của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, việc phân loại thông tin được thực hiện theo thuộc tính “bí mật”, hệ thống thông tin cũng được phân loại theo cấp độ an toàn từ 1 đến 5 để áp dụng biện pháp quản lý và kỹ thuật bảo vệ phù hợp.

Tuy nhiên khoản 1, Điều 54 dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định: “Thông điệp dữ liệu được phân loại và bảo đảm an toàn thông tin mạng dựa trên mức độ quan trọng”, là không đồng bộ với Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và cũng chưa thực sự hợp lý, vì một thông điệp dữ liệu có thể quan trọng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân này nhưng lại không quan trọng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Mặt khác tại khoản 2 Điều 54 dự thảo Luật quy định: “thông điệp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và cơ yếu”, đại biểu cho rằng chưa phù hợp. Bởi lẽ, giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử, trong đó, thông điệp dữ liệu được tạo ra, gửi đi, được nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Còn theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018, việc bảo vệ bí mật nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc “nghiêm cấm truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng máy tính và mạng viễn thông”.

Nếu trong thông điệp dữ liệu giao dịch điện tử có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì việc đăng tải, phát tán là hành vi bị nghiêm cấm. Còn việc truyền đưa bí mật Nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu. Chỉ truyền thông tin bí mật Nhà nước qua các phương tiện thông tin, viễn thông bằng cách mã hóa bằng mật mã. Theo đó, Ban soạn thảo cần rà soát, xem xét lại quy định này. Ngoài ra, cần rà soát nội dung về trách nhiệm của các bên xử lý dữ liệu, vì đối chiếu với giải thích từ ngữ thì khoản này chưa bao quát hết trách nhiệm đối với các hoạt động xử lý dữ liệu đã được xác định trong Dự thảo- đại biểu Nguyễn Thị Yến đề xuất..

Hải Thanh- Vũ Châu
#