Báo cáo với Đoàn giám sát, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho biết, Đại học Thái Nguyên được thành lập năm 1994, là một trong 3 đại học vùng của Việt Nam, gồm 19 đơn vị thành viên, trong đó có 7 đơn vị đào tạo trình độ tiến sĩ.
Đại học Thái Nguyên hiện có 32 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó 15 ngành đào tạo theo Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học. 100% chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ của Đại học Thái Nguyên đã được rà soát, cập nhật và điều chỉnh theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ thời gian qua được đánh giá cơ bản phù hợp với thực tiễn của đất nước, là nền tảng pháp lý để các cơ sở tổ chức hoạt động đào tạo ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Những điều chỉnh trong các văn bản phù hợp với thực tế triển khai, nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT đã kế thừa những quy định tích cực và khả thi, gắn với thực tế triển khai hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ của Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT tại các cơ sở giáo dục, đồng thời khắc phục một số hạn chế trong thực tế triển khai.
Về thực tiễn đào tạo trình độ tiến sĩ cơ sở, báo cáo của Đại học Thái Nguyên thừa nhận, còn tình trạng nghiên cứu sinh chậm bảo vệ luận án hoặc xin thôi học do không bảo đảm kế hoạch học tập theo quy định. Số lượng công bố quốc tế của nghiên cứu sinh còn ít. Nghiên cứu sinh chưa tham gia tích cực các hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo. Hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo nghiên cứu sinh còn hạn chế...
Nguyên nhân được chỉ ra là có thể đến từ trình độ ngoại ngữ của nghiên cứu sinh còn hạn chế. Công tác hỗ trợ nghiên cứu sinh của một số đơn vị đào tạo chưa tích cực. Chưa có nhiều chương trình liên kết quốc tế trong đào tạo trình độ tiến sĩ. Nghiên cứu sinh chưa được hỗ trợ trong công tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.
Đại học Thái Nguyên kiến nghị tăng cường công tác giám sát tính công khai, minh bạch, liêm chính học thuật, trách nhiệm của các hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ và trách nhiệm giải trình đối với đào tạo trình độ tiến sĩ. Đẩy mạnh xây dựng chính sách gắn đào tạo trình độ tiến sĩ với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Có chính sách thu hút đội ngũ giáo sư, tiến sĩ là chuyên gia hàng đầu ở nước ngoài dến giảng dạy các chương trình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam.
Thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Đại học Thái Nguyên về đào tạo trình độ tiến sĩ. Đây là cơ sở góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ.
Đánh giá cao bề dày lịch sử, chất lượng đội ngũ và tinh thần đổi mới của Đại học Thái Nguyên, PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa cũng nhấn mạnh đào tạo tiến sĩ của nhiều cơ sở đào tạo vẫn đang tồn tại một số vấn đề, cần thực hiện nhiều giải pháp sát sao hơn. Đề nghị Đại học Thái Nguyên tiếp tục rà soát, đưa ra những quy định chi tiết hơn về đào tạo trình độ tiến sĩ. Các chính sách gắn với đào tạo trình độ tiến sĩ phải đồng bộ với việc quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ và tinh thần liêm chính học thuật, đẩy mạnh khát vọng khoa học.