Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Đánh giá sâu, rộng hơn để thấy được tác động của Nghị quyết 30/2021/QH15

- Thứ Tư, 14/12/2022, 15:23 - Chia sẻ

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 18, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.

Cần bổ sung và rà soát số liệu để bảo đảm thống nhất

Trình bày Báo cáo thẩm tra việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, bám sát thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết 30. Đây là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.

Việc ban hành Nghị quyết 30 được Nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Từ khi được ban hành, Nghị quyết 30 được triển khai khẩn trương cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm kiểm soát dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia...

Thường trực Ủy ban Xã hội về cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, Chính phủ đánh giá sâu, rộng hơn để thấy tác động của Nghị quyết 30 đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đến ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong đại dịch và là tiền đề để phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch; bổ sung và rà soát số liệu để bảo đảm thống nhất, nhất là số liệu về nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và có giải pháp thực hiện cho giai đoạn tới; bổ sung bài học kinh nghiệm rút ra qua quá trình phòng, chống đại dịch Covid-19 để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện.

Với 4 kiến nghị của Chính phủ đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với kiến nghị thứ 4 về việc đưa các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch khi kết thúc việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30 vào Nghị quyết kỳ họp tới của Quốc hội; đồng thời tán thành với kiến nghị thứ nhất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội ghi nhận các kết quả đã triển khai thực hiện trong thời gian qua và kết thúc thời hạn hiệu lực của các chính sách này đến hết ngày 31.12.2022 theo đúng quy định của Nghị quyết 30...

Về việc kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, ảnh hưởng tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, Bộ Y tế với những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc nhân dân và thể hiện nội dung này tại Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc. Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá đúng bản chất các nguyên nhân và tập trung giải quyết các vấn đề nội tại, tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời giải quyết các hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc; đánh giá kỹ lưỡng nguồn lực thực hiện để bảo đảm không lặp lại tình trạng tồn đọng một lượng lớn hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được giải quyết như hiện nay.

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, bổ sung minh chứng cụ thể, rõ ràng, bảo đảm tính thuyết phục của các nhận định, phương án đề xuất cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động chính sách.

Bảo đảm chặt chẽ, thống nhất 

Nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị tổng kết sâu sắc hơn nội dung về thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và vấn đề phân cấp cho địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh đặc biệt của 2 năm vừa qua.

Để thực hiện Nghị quyết 30 thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thông báo, chỉ thị và rất nhiều hình thức văn bản khác mà trong Nghị quyết 30 cho phép để đáp ứng yêu cầu cấp bách. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần báo cáo Quốc hội phụ lục các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành để thực hiện Nghị quyết 30. Chính phủ, các Bộ, UBND, HĐND các địa phương cũng phải rà soát các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành, công bố danh mục những văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 30 để bảo đảm tính chặt chẽ về mặt pháp lý. 

Liên quan đến đề xuất gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là vấn đề hết sức cấp bách mà thực tiễn đặt ra, muốn hay không cũng phải có giải pháp và đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc trình Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này. Tuy nhiên, Tờ trình phải làm rõ lý do. "Vấn đề này không phải bây giờ chúng ta mới thấy mà năm 2019 như báo cáo tờ trình cũng đã có đến hơn 10.000 loại thuốc bị chậm và trầm trọng hơn trong giai đoạn dịch Covid-19 do những khó khăn nội tại và khách quan". Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn trách nhiệm liên quan đến vấn đề này.

Thanh Chi
#