Có 12 tỉnh, thành phố thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm
Chất vấn về phát triển sản phẩm du lịch đêm, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) nêu vấn đề, với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, “du lịch đêm” là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp khắc phục?
Trả lời chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong đó, có giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm.
Theo đó, Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Nhờ nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, đây là vấn đề mới và khó, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp. Vì vậy, để có giải pháp căn cơ, Bộ trưởng cho biết, đã đề xuất những nội dung nhằm giải bài toán quy hoạch, lực lượng lao động, chế độ, chính sách cho hoạt động biểu diễn, nghiên cứu thị trường…
"Hướng tiếp cận trong thời gian tới là Bộ sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương, phát triển các loại hình ẩm thực, đáp ứng nhu cầu mua sắm. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và cần có lộ trình để bảo đảm tính hiệu quả của du lịch đêm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Quy hoạch dành cho du lịch đêm không gặp vướng mắc
Cùng chung nhận định với đại biểu Vũ Thị Liên Hương, ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm cũng như lộ trình của việc thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này?
Khẳng định hiện nay, về quy hoạch không bị vướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, quy hoạch vùng và quy hoạch các tỉnh, thành phố đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các địa phương cũng đã triển khai công bố quy hoạch của mình. Trong quy hoạch đó cũng đã nói rất rõ đâu là dự án về du lịch, khu nào làm du lịch.
Do đó, vấn đề quan trọng, theo Bộ trưởng, là phân định lại trong các khu du lịch thế nào. Ví dụ một tỉnh có 10 dự án du lịch, thì quy định chọn dự án nào để tập trung phát triển sản phẩm du lịch đêm, thì thẩm quyền là của HĐND và UBND các địa phương đó; còn gói sản phẩm du lịch đêm, hiện nay Bộ đưa ra mang tính chất hướng dẫn và đang làm thí điểm ở 12 tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong bối cảnh thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, cần tính toán theo nguyên lý của thị trường là “bán cái mà người ta cần chứ không phải bán cái chúng ta có”. Vì thế, việc lựa chọn sản phẩm du lịch đêm cũng không đơn giản.
Bởi, sản phẩm du lịch đêm còn phụ thuộc vào thị hiếu, tập quán, thói quen, nhu cầu… của người tiêu dùng. Do đó, phải phân loại, phân nhóm, phân hạng, sau đó mới có thể thiết kế các gói sản phẩm du lịch đêm. Qua tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia, Bộ trưởng cho biết, không phải tất cả đều đưa vào xây dựng thành sản phẩm du lịch đêm mà cũng phải lựa chọn theo phân khúc của thị trường.
Bộ trưởng tin tưởng, sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của Nhân dân, sự vào cuộc của UBND các tỉnh thành, thì sản phẩm du lịch đêm sẽ dần dần định hình, bởi đây là vấn đề mới và khó. "Chúng ta cứ làm du lịch ngày cho thật tốt, sau đó có thêm một số sản phẩm du lịch đêm để phụ trợ, đi kèm cũng là cách để chúng ta giữ chân du khách", Bộ trưởng nói.