Trong phiên toàn thể chiều nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh trình bày chủ đề “Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: Vai trò quan trọng trong phát huy năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Cơ cấu lại nền kinh tế đã dần đi vào nề nếp
Theo bà Minh, cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 năm gần đây đã dịch chuyển đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Kinh tế số trong GDP tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% năm 2022 và gần 15% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh trình bày chủ đề “Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Hồ Long
Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm như hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước và đầu tư công đã đạt kết quả quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng.
Không gian kinh tế được mở rộng, tạo động lực mới, liền mạch và bền vững hơn. Chẳng hạn, chiều dài cao tốc hoàn thành trong 3 năm 2021-2023 đạt 566 km, bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây (khoảng 1.163km.
Cùng với đó, các loại thị trường tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Điển hình như Quốc hội vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15, trong đó có cơ chế đặc thù hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh.
Theo bà Minh, những kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội đã rất quan tâm, chỉ đạo, đồng hành cùng với Chính phủ. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và các nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 31/2021/QH15.
Đặc biệt, cơ cấu lại nền kinh tế đã dần đi vào nề nếp, trở thành một nét “riêng mới” ngay trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Bối cảnh mới, vị thế mới
Bà Minh cho rằng, bối cảnh quốc tế giai đoạn 2021 - 2023 có những khó khăn, thuận lợi đan xen.
Đáng chú ý, các nước nhìn nhận yêu cầu phải tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Đây là xu thế không thể tránh khỏi và Việt Nam cũng tích cực tham gia dòng hội nhập.
Đây là cơ hội cho các nền kinh tế có quy mô tầm trung, trong đó có Việt Nam, tham gia xây dựng luật chơi “hiện đại” cho hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế. Và cơ cấu lại nền kinh tế sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng chất lượng hơn gắn với xử lý hiệu quả những tương tác giữa Nhà nước - thị trường - hội nhập trong bối cảnh mới, bà Minh nói.
Đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Ảnh: Hồ Long
Tuy vậy, Viện trưởng CIEM cũng thừa nhận, cơ cấu lại nền kinh tế ở khía cạnh cải thiện năng suất lao động, năng lực hấp thụ vốn và đổi mới sáng tạo chưa như kỳ vọng…
Lúc này, để thực hiện thành công cơ cấu kinh tế, cần có tư duy mới, nội lực mới, động lực mới. Đồng thời, tăng cường năng lực nội sinh là hết sức cấp thiết.
Điểm tích cực, theo bà Minh, là chúng ta đã có nền tảng cho đổi mới tư duy.
“Hai năm qua, Quốc hội đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách cho hoạt động cải cách và điều hành của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương”.
Cùng với đó là tư duy tích cực hơn về cơ chế đặc thù, cơ chế thử nghiệm, chuyển đổi kép,...
Điều cần làm tiếp theo là đánh giá thấu đáo, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế. Trong đó, thể chế là một nguồn lực quan trọng, là chìa khóa. Cùng với đó, là những nội lực mới gắn với quy mô dân số trên 100 triệu dân, tầng lớp thu nhập trung bình và Gen Z, tài nguyên dữ liệu.
Bà Minh đề xuất Quốc hội cần tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong quá trình tạo dựng các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Cụ thể là tạo dựng một khung khổ ở tầm quốc gia nhằm cải năng suất lao động. Nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích và rà soát khung pháp lý để hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước.
Cùng với đó, thúc đẩy các liên kết vùng bền vững, gắn với các cơ chế đặc thù phù hợp để phát huy quy mô, lợi thế đặc thù của từng vùng, từng đô thị lớn. Thực hiện hiệu quả các FTA, tập trung vào các FTA thế hệ mới.