Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội...
Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh; các thành viên Ban Thường vụ và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Thực hiện có hiệu quả 10 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá
Thay mặt Tỉnh ủy, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết các Hội nghị Trung ương khóa XIII, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 10 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra.
Quán triệt phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Phát triển”, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thứ do đại dịch Covid-19, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ; qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các mặt, lĩnh vực công tác.
Đáng chú ý, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phát triển ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021-2023 ước tăng bình quân 5,94%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 8.078 USD/người/năm. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2023 đạt hơn 366 nghìn tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tích cực. Trong đó, sản xuất công nghiệptiếp tục tăng trưởng và chuyển dịch tích cực, đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; bước đầu hình thành 2 ngành công nghiệp mới của nền kinh tế: Công nghiệp hóa dầu (Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam 5,3 tỷ USD và Nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung 1,3 tỷ USD) và công nghiệp chế tạo thiết bị điện gió (Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) với Công ty năng lượng Đan Mạch trị giá 1 tỷ USD); nhiều dự án, nhà máy công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao được đầu tư đưa vào hoạt động.
Cảng biển và dịch vụ hậu cần cảngtiếp tụcđược thúc đẩy phát triển; toàn tỉnh có 50 cảng biển đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 150,3 triệu tấn/năm; trong đó, các dự án cảng container có tổng công suất thiết kế 8,34 triệu TEUS/năm. Năm 2023 sản lượng khai thác các cảng container ước đạt 4,7 triệu TEUS (khoảng 56,35% so với công suất). Cảng Cái Mép là một trong 32 cảng container lớn nhất thế giới tiếp nhận siêu tàu container trọng tải 250.000 tấn...
Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện hiệu quả. Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 18 tỉnh, thành phố của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; từ năm 2022 toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia, tiếp tục duy trì không còn hộ nghèo và tái nghèo. Công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, các chế độ, chính sách cho gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số… được thực hiện tốt; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%; tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,7%; đời sống của người dân nông thôn ngày càng nâng cao.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ nét. Phương thức lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát, toàn diện, bám sát Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; các chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy có nhiều đổi mới theo hướng ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, bám sát thực tiễn. Công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ được chú trọng; đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh theo quy định; phát triển tổ chức đảng, đảng viên được đẩy mạnh; kiểm tra, giám sát, được tăng cường với phương châm “Giám sát phải mở rộng”, “Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, “Tiếp cận nhanh, kết thúc sớm, kết luận rõ ràng”; công tácnội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai nghiêm túc và hiệu quả, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, phát huy hiệu quả, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH tỉnhcó nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực vào hoạt động của Quốc hội. Năm 2023, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH tỉnh đã thực hiện đạt hiệu quả khâu đột phá “nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri”; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các mặt công tác, phát huy vai trò cầu nối giữa cử tri, Nhân dân với Quốc hội.
Tập trung 4 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ
Báo cáo tại cuộc làm việc cũng nêu rõ, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg, ngày 16.12.2023 đề ra một số định hướng lớn.
Trong đó, giai đoạn 2025-2030, tập trung 4 trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ. Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước, cơ cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước; phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụhàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấpquốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại; môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.
Trong năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định: Tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế gắn với giữ vững ổn định mục tiêu tăng trưởng bền vững; tốc độ tăng trưởng đạt 8,5%; GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 8.904 USD/người/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 khoảng 88.600 tỷ đồng; phấn đấu thu hút 2 tỷ USD và 20.650 tỷ đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thu hút mạnh mẽ đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, có thế mạnh của tỉnh; thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường.
Tập trung phát triển dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics tại khu vực Cái Mép - Thị Vải. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng. Kêu gọi đầu tư tập trung các dự án du lịch lớn, phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Chỉ đạo quyết liệt công tác đầu tư công, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra.Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai có hiệu quả các dự án trọng điểm. Tổ chức khởi công dự án Tuyến nối đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong tháng 6.2024, hoàn thành năm 2026...
Tiếp tục chăm lo, lấy con người là trung tâm của sự phát triển
Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thực hiện mục tiêu chăm lo phát triển con người, lấy con người là trung tâm của sự phát triển. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống và hạnh phúc của Nhân dân; đến năm 2024, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn tỉnh. Thực hiện thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc; thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng tuyển quân năm 2024, bảo đảm đạt 100% chỉ tiêu và trên 1% đảng viên chính thức nhập ngũ.
Thực hiện nghiêm quy chế và chương trình làm việc; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức; kết nạp đảng viên mới đến cuối nhiệm kỳ đạt 100% chỉ tiêu. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tiếp tục đổi mới công tác dân vận, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân.
Để triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh thực hiện một số nội dung về thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; ưu tiên đầu tư hạ tầng cho Côn Đảo; triển khai dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hoà - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Về thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, ngày 7.10.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có nêu quan điểm: “Thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng….”; “hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”. Đây là chủ trương rất đúng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ logistics, giảm chi phí, đồng thời tạo động lực mới để phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ và quốc gia.
Căn cứ quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, khu thương mại tự do là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có luật điều chỉnh mô hình này. Hơn nữa, cơ chế, chính sách áp dụng cho khu thương mại tự do sẽ có những quy định mới, có thể sẽ phải điều chỉnh các luật hiện hành như Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, các quy định của pháp luật về thuế, đặc biệt là Hải quan. Qua nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm tại 6 quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Singapore và Malaysia) về Khu thương mại tự do và từ thực tiễn thực hiện một số Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, TP. Hải Phòng, tỉnh Nghệ An...
Vì vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét, cho phép tỉnh trình Bộ Chính trị, Quốc hội Đề án về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ.
Về tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Nghị quyết số 24-NQ/TWcủa Bộ Chính trị cũng đã xác định: “nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải”. Nhằm tăng tính kết nối, phát huy hiệu quả Cụm cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải - sân bay quốc tế Long Thành - các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn của các tỉnh phía Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng Đông Nam Bộ và cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ, Quốc hội xem xét, sớm triển khai Dự án đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải trong giai đoạn 2025-2030.
Nhóm 10 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, luôn tự cân đối ngân sách
Tại cuộc làm việc, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Công Thương và một số bộ, ngành có liên quan đều ghi nhận, đánh giá cao các kết quả, thành tích nổi bật Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được trong thời gian qua.
Đáng chú ý, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc biệt là “cửa ngõ” hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; có những quyết sách đúng đắn, bước đi táo bạo, đúng thời điểm, nhất là trong những thời điểm quyết định, có tính bước ngoặt để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xứng đáng là một cực tăng trưởng quan trọng của quốc gia.
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện là một trong những địa phương mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; nằm trong nhóm 10 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước; luôn tự cân đối được ngân sách, thuộc nhóm các địa phương tốp đầu đóng góp ngân sách cho quốc gia; có hạ tầng giao thông đường bộ khang trang, đồng bộ nhất cả nước; chất lượng đời sống nhân dân được cải thiện toàn diện.
Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 đạt 293.190 tỷ đồng; tổng chi ngân sách là 75.958 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt trên 50%, là kết quả nổi bật mà rất ít các địa phương thực hiện được. Giải ngân đầu tư công và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng điểm sáng, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, cụ thể giải ngân đầu tư công năm 2023 vốn Trung ương đạt 100%, vốn địa phương ước đạt 95,6%...
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành địa phương cũng ghi nhận và trả lời các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã có để có thể khai thác mạnh mẽ hơn tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững hơn nữa, đóng góp chung cho sự phát triển chung của cả nước.
Ngay sau phát biểu của các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có phát biểu chỉ đạo với Ban Thường vụ và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc...