- Sai phạm phải được xử lý, chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung
- Chắt lọc sâu sắc để kiến nghị giám sát sát với tình hình thực tiễn, khả thi
- Chú trọng tái giám sát, đôn đốc đến cùng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giám sát nhưng mục tiêu kiến tạo phát triển rất nổi bật
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chế tài mạnh nhất của giám sát chính là công khai, minh bạch
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.
Cùng dự tại 62 điểm cầu trên cả nước có: 19 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, các Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân, UBND, MTTQ Việt Nam...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội. Bắt đầu từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, hằng năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giám sát của năm tiếp theo. Đây là một bước đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, được đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri đánh giá cao.
Nhìn lại hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện, được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước; tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và thực hiện Chương trình hoạt động cả nhiệm kỳ Quốc hội, đặt ra yêu cầu đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội phải tích cực, khẩn trương triển khai, thực hiện các hoạt động giám sát có hiệu quả, chất lượng hơn.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với nhiều nội dung giám sát, yêu cầu cụ thể hơn trong việc tổ chức thực hiện đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, như: Yêu cầu các cơ quan của Quốc hội tăng cường tính chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình giám sát của cơ quan mình, tiếp tục đổi mới, giám sát; đề xuất tổ chức các phiên giải trình và các hoạt động giám sát khác phù hợp; đổi mới phương thức tổ chức các phiên giải trình theo hướng tăng cường kết hợp giữa họp trực tiếp và kết nối trực tuyến…).
Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề là: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy) và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH15 ngày 27.7.2023 về Chương trình giám sát của UBTVQH năm 2024; theo đó đã chọn 2 chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Tại Hội nghị này, ngoài việc đánh giá những kết quả đạt được, những kinh nghiệm hay trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và của đại biểu Quốc hội trong năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cần làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong các hoạt động giám sát; đồng thời trao đổi, thống nhất về nhận thức, nội dung, công tác phối hợp, các biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm có hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của người dân và cử tri cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị các đại biểu tham gia có trách nhiệm, tâm huyết, xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến sát thực để góp phần vào thành công của Hội nghị và tạo tiền đề quan trọng cho thành công của chương trình giám sát năm 2024.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, hội nghị đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024.