Các chuyên gia đều khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Từ đó thống nhất cho rằng, ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết, nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; bảo đảm đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề...
Các chuyên gia cũng đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo nhìn chung được chuẩn bị công phu, quy định khá đầy đủ các nội dung liên quan đến nghề giáo. Nhiều điều khoản phù hợp với thông lệ quốc tế như quy định về tiêu chuẩn về trình độ và hành vi của giáo viên.
Vì nhà giáo là khái niệm rộng, từ giáo viên mầm non tới giảng viên đại học, nên một số ý kiến cho rằng định nghĩa nhà giáo cần có tính khái quát, bảo đảm 3 thành tố: Định nghĩa (nhà giáo (educator) bao gồm tất cả cá nhân tham gia vào việc giảng dạy, đào tạo, hướng dẫn và hỗ trợ học sinh trong một cơ sở giáo dục, từ mẫu giáo đến đại học), tiêu chuẩn (giáo viên thường phải đạt được các chứng chỉ, bằng cấp liên quan và đáp ứng các tiêu chuẩn quy định đối với nghề giáo), và nhiệm vụ (giảng dạy - truyền đạt kiến thức và kỹ năng, hướng dẫn - học tập và phát triển cá nhân, phát triển chuyên môn, trách nhiệm cộng đồng).
Giấy phép hành nghề dạy học được nhiều đại biểu quan tâm, cho rằng đây chỉ là yêu cầu “đủ” đề hành nghề nhà giáo và đề nghị đánh giá tác động đối với giáo viên, xác định rõ đối tượng cần và không cần, bảo đảm tính hợp lý và hiệu quả, tránh phát sinh tiêu cực.
Quy định về giấy phép hành nghề dạy học chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng cụ thể (ví dụ người không tốt nghiệp ngành sư phạm làm nghề dạy học ở phổ thông); đồng thời giới hạn đối với một số đối tượng (ví dụ sinh viên đã tốt nghiệp các ngành học trở thành giáo viên, những người vốn đã và đang làm nghề dạy học, kỹ sư, thợ bậc cao, những người có tay nghề hướng dẫn thực hành…).
Về đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, theo ý kiến các chuyên gia, không nên có sự phân biệt giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Việc đào tạo trong các trường sư phạm, nên đưa ra 2 đối tượng: theo chỉ tiêu, đặt hàng và ngoài chỉ tiêu theo nhu cầu của người học, phù hợp với năng lực của cơ sở đào tạo, chỉ khác nhau ở chỗ có hỗ trợ kinh phí và phân công công việc. Như thế sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành sư phạm.
Các đại biểu cũng cho rằng, bồi dưỡng là bắt buộc với cả nhà trường và nhà giáo, cả công và tư, phải đưa vào kế hoạch của nhà trường; đồng thời đề nghị mở ra cơ chế trao đổi giáo viên giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo tùy theo kinh phí và quyền tự chủ của nhà trường. Đây như một chính sách đào tạo, bồi dưỡng…
Nhấn mạnh Luật Nhà giáo là dự án luật quan trọng, điều chỉnh đối tượng đặc biệt - nhà giáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, ý kiến của các chuyên gia sẽ giúp Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra hoàn thiện để có dự thảo Luật tốt nhất trình Quốc hội tại kỳ họp tới, đưa ra được các chính sách hợp lý, khả thi mà đội ngũ nhà giáo và cả xã hội đang mong chờ.
Dự kiến, ngày 23.8, các chuyên gia tiếp tục cho ý kiến về các quy định liên quan đến quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật đối với nhà giáo.