Dự án Luật phòng thủ dân sự

Cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục thảm họa và sự cố

- Thứ Tư, 09/11/2022, 17:06 - Chia sẻ

Thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự, các đại biểu Quốc hội kiến nghị, các quy định về biện pháp ứng phó, khắc phục thảm họa và sự cố cần quy định riêng do tính chất, mức độ và hậu quả khác nhau; bên cạnh đó cần làm rõ hơn về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện.

Chưa rõ ranh giới của sự cố thiên tai, dịch bệnh

Chiều 9.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng Thủ dân sự.

Cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục thảm họa và sự cố -2
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật hóa Hiến pháp năm 2013. Đại biểu cũng cho rằng, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đất nước.

Cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục thảm họa và sự cố -0
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Cũng đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) lưu ý, dự thảo Luật quy định “Sự cố là tình huống nguy hiểm, nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa. Thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường”. Theo quy định này, sự cố, tình huống nguy hiểm nghiêm trọng có nguy cơ thảm họa; còn thảm họa là đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Như vậy, sự cố và thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo luật chỉ quy định chung các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, đơn cử như Điều 18 dự thảo luật quy định chung các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố.

Do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau, nên theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, bên cạnh để quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố.

Cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục thảm họa và sự cố -3
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cũng nêu rõ, dự thảo Luật có giải thích khái niệm “sự cố”, “thảm họa” nhưng không rõ ranh giới của sự cố thiên tai, dịch bệnh được điều chỉnh trong Luật này với các luật chuyên ngành khác như: Luật Bảo vệ môi trường; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật An ninh mạng; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Phòng, chống thiên tai… Mặt khác, khái niệm “thảm họa” chưa phù hợp với các tiếp cận quốc tế. Do đó, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật với các luật chuyên ngành, quy định quốc tế, đồng thời thể hiện sâu sắc hơn quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự.

Thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện còn chung chung

Về huy động trong phòng thủ dân sự để ứng phó kịp thời và khắc phục tình trạng khẩn cấp thiên tai, ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, việc huy động nguồn lực là cần thiết, nhưng cần phân biệt với trưng mua, trưng dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Quy định này cần đối chiếu các quy định có liên quan để tạo sự thống nhất trong thực hiện để bảo đảm việc huy động hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật chưa quy định rõ nội dung này như trong Luật Trưng mua, trưng dụng về thẩm quyền thực hiện.

Cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục thảm họa và sự cố -1
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) cũng cho rằng, tại Điều 23 quy định về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, quy định như dự thảo Luật còn khá chung chung, rất khó cho việc thực hiện và dễ chồng chéo trong thực tế triển khai. Bên cạnh đó, tại Khoản 5 Điều 23 cũng quy định trong trường hợp khẩn cấp, Chủ tịch UBND các cấp nơi xảy ra thảm họa, sự cố đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Đại biểu cho rằng, cần làm rõ phạm vi đề nghị như thế nào, thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đến đâu là phù hợp để bảo đảm không trái với quy định khác của pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về lực lượng phòng thủ dân sự quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cân nhắc bổ sung lực lượng dự bị động viên vào lực lượng nòng cốt phòng thủ dân sự vì lực lượng này đã được huấn luyện nhiều kỹ năng trong thời gian tại ngũ và tại các địa phương hiện nay đang quản lý theo quy định của lực lượng dự bị động viên. Lực lượng này được sắp xếp, phân loại và sẵn sàng huy động khi thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết. Nếu được bổ sung lực lượng này tham gia phòng thủ dân sự và giao Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ bảo đảm kịp thời phát huy được lực lượng tại chỗ.

Minh Trang
#