Phạm vi ảnh hưởng lớn
Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có mức độ ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của mọi người dân. Đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động và những người được hưởng chế độ hưu trí. Dự án Luật này nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri, người dân, tổ chức cá nhân.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, hiện nay số lượng người tham gia đóng Bảo hiểm xã hội chỉ chiếm trên 38,7% số lượng lao động trong độ tuổi. "Như vậy còn trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia bảo hiểm xã hội, họ chủ yếu là nông dân và những người tham gia ở lĩnh vực lao động phi chính thức, đối tượng có thu nhập thấp rất cần có sự hỗ trợ của chính sách bảo hiểm theo tinh thần của Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội" - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói.
Trong các đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại điểm L, K Khoản 1, Điều 3 là đối tượng mới quy định phải tham gia đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh và có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Có khoảng 3 triệu hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh, không đăng ký kinh doanh, tương đương khoảng 3 triệu người trong độ tuổi lao động không tham gia bảo hiểm xã hội.
Tham gia bảo hiểm xã hội là giải pháp an sinh xã hội tốt, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, bấp bênh. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị, cần toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh, bao gồm cả hộ phải đăng ký kinh doanh và không phải đăng ký kinh doanh vào nội dung tại Điều 3. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá quy định về mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh, theo quy định về mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc với lao động thông thường là người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%, tổng cộng là 25%.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 39, đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc toàn bộ là 25%. Đại biểu cho rằng, cần đánh giá tác động xã hội của quy định này, để có mức đóng phù hợp vì phạm vi ảnh hưởng lớn, số lượng nhiều.
Cần quy định các mức trợ cấp hưu trí cụ thể
Về giải pháp căn cơ, lâu dài để tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, cần thay đổi về cơ chế chính sách tham gia bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là cơ chế đóng bảo hiểm xã hội và mức hưởng trợ cấp.
“Hiện nay, mức đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam không phản ánh đúng khả năng kinh tế của mỗi người. Đồng thời mức hưởng trợ cấp của người tham gia bảo hiểm xã hội cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sống hàng ngày. Đặc biệt là những trường hợp hưu trí. Chính vì vậy, việc tham gia bảo hiểm xã hội chưa thực sự hấp dẫn…”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đồng tình với phương án giảm lợi ích từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần trong Dự thảo Luật để người lao động tham gia và ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội sống lâu hơn. Theo đó, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, quy định về mức rút bảo hiểm xã hội một lần cần tương ứng với mức đóng của người lao động đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, còn khoản tiền người sử dụng lao động sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này… “Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ ngay từ khi người lao động còn trong độ tuổi lao động để khuyến khích động viên người lao động tham gia bảo hiểm xã hội…”, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ nêu ý kiến.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn với quy định xử phạt với các trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội. Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng, cần một biện pháp căn cơ hơn nữa với trình trạng này. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định phân quyền cho HĐND tại các địa phương có thể tham gia vào việc quản lý Nhà nước về việc thực hiện đóng góp bảo hiểm xã hội…
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí bày tỏ sự nhất trí cao với những nội dung Tờ trình và Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). “Quy định tại Điều 48 của Dự thảo Luật về việc mang thai hộ là một quy định nhân văn, tiến bộ, khẳng định sự ưu việt của chế độ hiện hành. Tuy nhiên, tại điểm C điều 48, nên bỏ từ “mẹ” trong quy định vì có thể gây nhầm lẫn, chỉ cần quy định là “người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản”. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cần quy định các mức trợ cấp hưu trí cụ thể… Đối tượng đóng bảo hiểm tự nguyện hiện nay, chúng ta chưa mở rộng về mặt số lượng. Do đó, cần có biện pháp đóng góp mở và linh hoạt hơn để người tham gia đóng bảo hiểm có thể tham gia bảo hiểm xã hội một cách hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Đóng góp ý kiến về quy định đối tượng tham gia bảo hiểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh bày tỏ băn khoăn, quy định đối với người đi lao động ở nước ngoài, người lao động phải đóng bảo hiểm cả hai nơi là ở Việt Nam và ở nơi họ lao động. Vậy thì chế độ hưởng lương hưu như thế nào?
Mặt khác, đối với người nước ngoài lao động ở Việt Nam, họ tham gia lao động và đóng góp bảo hiểm xã hội ở Việt Nam thì sau đó họ có được hưởng lương hưu, trợ cấp hưu hay không? Chúng ta cần có quy định cụ thể về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị.