Bảo đảm trách nhiệm pháp lý của Văn phòng công chứng với cơ quan, khách hàng
Kế thừa quy định của Luật hiện hành, Khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Cụ thể, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng.
Tán thành quy định như dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trước ngày 1.7.2007 chỉ có phòng công chứng nhà nước, không có Văn phòng công chứng. Từ ngày 1.7.2007 đến 1.1.2015, Văn phòng công chứng có 2 loại hình là Văn phòng công chứng tư nhân do một công chứng viên thành lập và Văn phòng công chứng viên hợp danh do 2 công chứng viên trở lên thành lập. Đến năm 2014, trên cơ sở đánh giá những bất cập, vướng mắc của mô hình Văn phòng công chứng tư nhân, Luật Công chứng năm 2014 chỉ quy định một loại là Văn phòng công chứng hợp danh. Vì vậy, nếu cho phép lập lại mô hình Văn phòng công chứng tư nhân do một công chứng viên thành lập dù chỉ thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì cũng nên cân nhắc.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, các Văn phòng công chứng tư nhân do một công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng, nhưng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động của Văn phòng công chứng, đồng thời cũng không có quyền liên quan đến việc quản lý, điều hành Văn phòng công chứng. Do đó, khi công chứng viên là Trưởng Văn phòng công chứng bị tạm đình chỉ hành nghề, bị khởi tố hình sự, qua đời... thì vẫn sẽ phát sinh bất cập của mô hình này như đã từng xảy ra khi thực hiện Luật Công chứng năm 2006.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật hiện nay cho phép các địa phương được xem xét, quyết định việc chuyển giao, chứng thực các hợp đồng giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nếu đủ điều kiện nên các địa phương hoàn toàn có thể chủ động trong bảo đảm phân bố các tổ chức hành nghề công chứng hay cơ quan hành chính chứng thực các hợp đồng giao dịch, không gây ách tắc cho người dân.
Với những lý lẽ như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu rõ, cần thiết chỉ nên duy trì mô hình Văn phòng công chứng hợp danh để bảo đảm trách nhiệm pháp lý đối với các cơ quan, tổ chức và khách hàng.
Thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng
Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn khác, một số đại biểu cho rằng chỉ quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh là đang hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức cung cấp dịch vụ của Văn phòng công chứng.
Dẫn quy định của Luật Doanh nghiệp, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nêu rõ, hiện nay có 4 mô hình doanh nghiệp: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Trong đó, có 2 loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được coi là phù hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi thương hiệu và trách nhiệm nghề nghiệp cá nhân cao. Việc dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng chỉ được hoạt động dưới mô hình công ty hợp danh có thể dựa trên những đặc điểm trên.
Mặc dù công chứng là hoạt động có tính đặc thù nhưng hành nghề công chứng đã được Luật Đầu tư xác định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà lưu ý, các quy định của dự thảo Luật cần bảo đảm quyền tự do kinh doanh, mở rộng quyền lựa chọn mô hình kinh doanh của các nhà đầu tư.
“Quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công hiện nay, chưa tạo thuận lợi cho hoạt động công chứng trong việc đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”. Nêu quan điểm này, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, thực tế cho thấy, hợp danh cũng chưa phải loại hình tổ chức tối ưu đối với tổ chức và hoạt động của Văn phòng công chứng. Bởi, yếu tố "hợp danh" vẫn có thể bị phá vỡ khi có công chứng viên hợp danh chết, bị bãi miễn hoặc bị miễn nhiệm.
Cũng bày tỏ băn khoăn về quy định này, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chỉ rõ, trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là rất phù hợp. Điều này vừa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa. Mặt khác, đối với những nơi vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, việc thành lập và duy trì mô hình Văn phòng công chứng với 2 công chứng viên là không cần thiết, có thể gây lãng phí nguồn lực công chứng viên. Nguồn thu để bảo đảm hoặc duy trì hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng với 2 công chứng viên cũng là rất khó.
Do đó, các đại biểu nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng bên cạnh loại hình công ty hợp danh như quy định hiện hành. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị, nên chăng nghiên cứu theo hướng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình Văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân.