Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham dự cuộc làm việc đều khẳng định, nhà giáo, trong đó có nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, có vai trò quyết định trong bảo đảm chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại chưa thực sự làm rõ những khác biệt giữa nghề nhà giáo với các nghề nghiệp khác. Hiện nay việc định danh, tiêu chuẩn nhà giáo chưa rõ ràng, chưa điều chỉnh đến đối tượng nhà giáo trong cơ sở giáo dục tư thục và nhà giáo là người nước ngoài.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, cũng như nhà giáo ở các bậc đào tạo khác, rất cao, nhưng quyền lợi và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Các chính sách về tiền lương, phụ cấp, thu hút nhà giáo chưa đủ mạnh nên việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Có trường 2 năm mới đăng tuyển một lần nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Trong chương trình, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, cơ cấu thời gian dạy thực hành, thực tập, thí nghiệm chiếm 60 - 70%, tuy nhiên giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III) chỉ được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 - 4,89), trong khi giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 - 4,98).
Để phục vụ công tác đào tạo của nhà trường, một số phòng chức năng như Đào tạo, Công tác học sinh, sinh viên, Khảo thí và Bảo đảm chất lượng phải do những nhà giáo được đào tạo chuyên ngành đảm nhận mới đủ trình độ tham mưu lĩnh vực thuộc ngành đào tạo. Tuy nhiên, khi xây dựng Đề án vị trí việc làm, những nhà giáo này được điều chuyển về phòng chức năng làm việc, theo Luật hiện hành, không giữ được chức danh nhà giáo mà phải chuyển thành chuyên viên. Điều này không bảo đảm được vai trò, vị thế của nhà giáo, dẫn đến nhà giáo xin trở lại khoa chuyên ngành, khiến cho các vị trí tại phòng chức năng không có người chuyên ngành đảm nhận. Đây đang là bất cập đối với công tác tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kiến nghị cần có quy định thống nhất, khắc phục các bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước về nhà giáo, làm cơ sở để thực hiện phân cấp, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, các quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải phù hợp với thực tế từng ngành, lĩnh vực trong công tác đào tạo; khắc phục tình trạng chồng chéo khi nhà giáo vừa có chuẩn nghề nghiệp vừa thực hiện các tiêu chuẩn của viên chức.
Do đặc thù của giáo dục nghề nghiệp, một số ý kiến kiến nghị cần xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng trong tuyển dụng, sử dụng để thu hút nghệ nhân, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động giỏi, người dạy nghề, người đào tạo tại doanh nghiệp, cán bộ quản lý trong và ngoài nước vào làm việc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng thực hiện chủ trương phân luồng học sinh vào học nghề; là một mắt xích trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần và nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao trong phát triển đất nước.
Nhấn mạnh điều này, thay mặt Đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và cả những trăn trở của đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Những thông tin hữu ích từ cuộc làm việc sẽ được tổng hợp, nghiên cứu để phục vụ các hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thời gian tới, trong đó có việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và xây dựng chính sách, pháp luật đối với nhà giáo, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển giáo dục nghề nghiệp, cả công lập và ngoài công lập.