Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương 2023:

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm

- Thứ Sáu, 11/11/2022, 17:37 - Chia sẻ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, chiều nay, 11.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương 2023 với tỷ lệ 453/458 tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm 90,96%.

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm -1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính

Theo đó, Quốc hội quyết nghị, tổng số thu ngân sách Trung ương là 863.567 tỷ đồng (tám trăm sáu mươi ba nghìn, năm trăm sáu mươi bảy tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng (bảy trăm năm mươi bảy nghìn, một trăm bảy mươi bảy tỷ đồng).

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.294.067 tỷ đồng (một triệu, hai trăm chín mươi bốn nghìn, không trăm sáu mươi bảy tỷ đồng), trong đó dự toán 436.204 tỷ đồng (bốn trăm ba mươi sáu nghìn, hai trăm không bốn tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm -0
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh biểu quyết. Ảnh: Hồ Long

Về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Quốc hội quyết nghị phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương theo các phụ lục số I, II, III và IV kèm theo Nghị quyết; Phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 kinh phí thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Phụ lục số V kèm theo Nghị quyết…

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại tiết đ điểm 1.2 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15. Ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2023, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2023; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.

Quốc hội yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm -2
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Không phân bổ ngân sách với các chương trình, đề án chưa đề xuất cụ thể nguyên tắc, tiêu chí

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: trên cơ sở 375 ý kiến nhất trí, 48 ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm -3
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Ảnh: Hồ Long

Theo đó, về ý kiến đề nghị cần ban hành giải pháp cụ thể, gắn liền với chế tài và trách nhiệm cá nhân trong việc phân bổ, giải ngân nguồn vốn đầu tư ngân sách trung ương đặc biệt là Chương trình phục hồi kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của ngân sách trung ương chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ cụ thể, bổ sung dự toán trong năm đối với số kinh phí của ngân sách trung ương chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.

Đối với các Chương trình, đề án chưa đề xuất cụ thể nguyên tắc, tiêu chí thì chưa có căn cứ để phân bổ cụ thể. Để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị giao Chính phủ xây dựng  nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên, chi đầu tư áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Thanh Chi
#