Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Hậu Giang thảo luận tổ:

Bảo đảm tính cụ thể, khả thi của các điều luật

- Thứ Hai, 17/06/2024, 17:43 - Chia sẻ

Tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, chiều nay, 17.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Hậu Giang. 

Bảo đảm tính cụ thể, khả thi của các điều luật -0
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Nhiều điều khoản còn chung chung

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 4 chương, 18 điều.

Cơ bản thống nhất với các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, song ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) chỉ rõ, một số điều còn chung chung, đặc biệt có đến 10 điều giao Chính phủ quy định chi tiết là khá nhiều so với bố cục điều khoản của dự thảo Luật. Do đó, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục rà soát, luật hóa các vấn đề cần quy định chi tiết, cố gắng quy định rõ ngay trong luật để thực hiện thống nhất, đồng thời nâng cao tính khả thi của các nội dung sửa đổi, tránh tình trạng Luật có hiệu lực lại chờ văn bản hướng dẫn thi hành. 

Bảo đảm tính cụ thể, khả thi của các điều luật -0
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Hậu Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Về đối tượng không chịu thuế, khoản 25 điều 5 dự thảo Luật quy định: hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định; tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo pháp luật về phí, lệ phí. 

Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể vào Luật: ngưỡng của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu cụ thể là bao nhiêu sẽ thuộc đối tượng không chịu thu. "Nếu giao Chính phủ quy định cụ thể như dự thảo Luật là chưa phù hợp", đại biểu Lê Thị Thanh Lam nói. 

Hoạt động của Phòng công chứng dựa trên pháp luật về viên chức

Về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các ĐBQH đánh giá, cơ bản đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan, đặc biệt là với các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở; Bộ luật Dân sự…

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát thật kỹ, nhằm bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với một số luật khác có liên quan như Luật Viên chức…

Chẳng hạn: Theo khoản 3 Điều 17 của dự thảo Luật, người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng. Trưởng Phòng công chứng phải là công chứng viên…

Bảo đảm tính cụ thể, khả thi của các điều luật -0
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

"Với tính chất là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, hoạt động của Phòng công chứng cũng dựa trên pháp luật về viên chức", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói. 

Đại biểu phân tích, Luật Viên chức (sửa đổi) giao Chính phủ căn cứ điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý đối với mỗi loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực, quy định việc thành lập, cơ cấu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 9); đồng thời, dành một số quy định về quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức (Điều 55). Tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước do Phòng công chứng quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Do vậy, dự thảo luật cần làm rõ, bên cạnh tư cách người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo Luật Viên chức, nên làm rõ quy chế pháp lý của người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng, tương ứng với vị trí việc làm của chức danh.

Hay Điều 35 của dự thảo Luật quy định 3 hình thức hành nghề của công chứng viên gồm: Công chứng viên là viên chức của Phòng công chứng; Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng; Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng.

Khoản 2 Điều 35 quy định việc ký và thực hiện hợp đồng lao động với công chứng viên làm việc tại Phòng công chứng được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về lao động và pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập. Điều 9 Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30.12.2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có quy định khác nhau việc ký kết hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tùy theo từng nhóm phù hợp với khả năng bảo đảm chi của đơn vị sự nghiệp công lập.

"Do vậy, cần làm rõ trường hợp công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Phòng Công chứng trong tương quan với pháp luật viên chức, bảo đảm các điều kiện được quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP nêu trên". 

Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với một số dự án luật có liên quan đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua như dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)... để bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Nguyễn Bình
#