Phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc với người chưa thành niên phạm tội
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên là rất phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam. Trước xu hướng trẻ hóa tội phạm như hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý, chúng ta nên cân nhắc cẩn trọng trong xây dựng từng quy định trong dự thảo luật, để khi luật được ban hành vừa bảo đảm tính nhân văn, tạo điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm; song cũng phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc đối với người chưa thành niên phạm tội.
Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định trong dự thảo luật phù hợp với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Dự thảo luật quy định 10 biện pháp ngăn chặn, 3 biện pháp cưỡng chế; bổ sung 2 biện pháp “giám sát điện tử” và “giám sát tại nhà”; đồng thời, thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam, theo đó, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không.
Tán thành vào nội dung này, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, việc đổi mới chế độ cưỡng chế trong trường hợp người chưa thành niên bị buộc tội trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người chưa thành niên. Các biện pháp cưỡng chế trong Luật Tố tụng hình sự hiện hành còn thiếu thân thiện với người chưa thành niên, sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của người chưa thành niên và tác động không nhỏ đến khả năng tham gia tố tụng của đối tượng này.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng cho rằng, việc bổ sung biện pháp ngăn chặn điện tử là phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ đối với việc giám sát điện tử, giám sát tại nhà, bảo đảm các em không bị tách khỏi gia đình, các hoạt động tại cộng đồng cơ bản vẫn được thực hiện, đồng thời góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, cần đánh giá, làm sáng tỏ hơn tính khả thi về nguồn lực, nhân lực, kinh phí trang bị thiết bị thực hiện các biện pháp: cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại, quản thúc tại gia đình, cấm đến các địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội…
Vì theo đại biểu, “chắc chắn chúng ta không thể cắt cử người giám sát 24/24h để giám sát thi hành mà phải lắp đặt các thiết bị giám sát trong suốt quá trình áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”.
Bảo đảm có biện pháp phòng ngừa, giáo dục người chưa thành niên phạm tội
Đa số các ĐBQH tán thành với 12 biện pháp xử lý chuyển hướng quy định trong dự thảo Luật.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, biện pháp xử lý chuyển hướng đáp ứng Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác về tư pháp người chưa thành niên mà Việt Nam là tham gia.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, cần cân nhắc thêm về biện pháp xử lý chuyển hướng và điều kiện áp dụng để bảo đảm có biện pháp phòng ngừa, giáo dục người chưa thành niên phạm tội nói riêng và phòng ngừa tội phạm nói chung trong xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nhất trí với việc mở rộng và quy định rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng như trong dự thảo luật sẽ khắc phục được những khó khăn, bất cập đang đặt ra trong thực tiễn, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự, bảo đảm phù hợp với từng trường hợp, đối tượng người chưa thành niên.
Đại biểu cũng đề nghị, tiếp tục rà soát, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để bổ sung các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên nhằm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng trường hợp; phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của người chưa thành niên.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, cần quy định rõ những trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng", bởi lẽ, người chưa thành niên có tâm lý chưa vững vàng, trong quá trình thực hiện công tác phục vụ cộng đồng, người chưa thành niên có thể bị dòm ngó, chụp ảnh, quay video clip và phát tán trên mạng ngoài tầm kiểm soát, gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của người chưa thành niên và gây ra những hệ quả khó lường trước. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung thêm quy định về bảo đảm quyền học tập của người chưa thành niên.
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị, cần xây dựng thêm các quy định liên quan đến biện pháp xử lý chuyển hướng cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng. Cùng với đó, cần xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.