Sớm ban hành các văn bản quy định hướng dẫn
Đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, các đại biểu nhấn mạnh: với sự vào cuộc nỗ lực, tích cực của người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương, tình hình kinh tế - xã hội đã có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với dự kiến.
Công tác xây dựng phát triển nông thôn tiếp tục có những bước đột phá, nhất là ở các địa phương là các cực tăng trưởng của các vùng kinh tế - xã hội và khu vực vùng cao, miền núi, vùng đồng bào DTTS. Điều này cho thấy hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát huy hiệu quả bước đầu…
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, bên cạnh một số kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ tiếp tục quan tâm tháo gỡ nhằm khơi thông các điểm nghẽn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, một số yếu tố tác động lớn đến ổn định vĩ mô còn biến động phức tạp, thiếu ổn định như: thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, giá vàng, tỷ giá. Điển hình như: việc gần đây giá vàng liên tục lập đỉnh và có chênh lệch lớn so với mặt bằng giá của thế giới mà Chính phủ đã vào cuộc. Ngoài ra, chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng chậm lại; thị trường lao động việc làm và tiêu thụ một số mặt hàng chủ lực còn gặp nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Mặt khác việc triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư như cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu gom xử lý chất thải, nước thải,… vẫn còn nhiều khó khăn, vương mắc. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc các quy định của pháp luật liên quan. Việc thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng, bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, tốn kém nhiều thời gian, chi phí tuân thủ, nhất là các dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tư nhân.
ĐBQH Đỗ Đức Duy đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành theo thẩm quyền các định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành; các văn bản quy định hướng dẫn liên quan đến đấu thầu, mua sắm công. Đồng thời, sớm hoàn thiện các cơ chế văn bản hướng dẫn xử lý tài sản là nhà đất, trụ sở các cơ quan hành chính đơn vị sự nghiệp sau sáp nhập, nhất là đối với các huyện, xã khu vực miền núi; các trụ sở cơ sở nhà đất quốc phòng, an ninh sau khi đã đầu tư và khai thác sử dụng các cơ sở mới.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp công ích, đơn vị sự nghiệp kinh tế và xử lý tài chính tại các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, giải thể, xử lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh.
Tiếp tục quan tâm giải ngân vốn đầu tư công
Đóng góp ý kiến về việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cho biết: thời gian qua, số tăng thu ngân sách Nhà nước rất cao, nhưng đã sử dụng bố trí cho việc liên quan đến giảm bội chi ngân sách Nhà nước và bố trí cho một số dự án đầu tư quan trọng Quốc gia. Kết quả thực hiện số chi so với số quyết toán giảm rất nhiều, đặc biệt là năm 2022 còn giảm hơn so với dự toán ban đầu. Đại biểu mong muốn, trong báo cáo thực hiện về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023 cần đánh giá kĩ lưỡng hơn liên quan đến thu chi ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề kiểm soát lạm phát. Bởi, năm 2024 là năm thực hiện chính sách cải cách tiền lương, sẽ tác động rất lớn đến giá cả. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích tiêu dùng; tiếp tục quan tâm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, quan tâm thêm về công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm đưa ra dự án có tính khả thi cao.
Nhận định dù nhiều điểm sáng về kinh tế, nhưng ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho rằng, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng lao động thất nghiệp trong thanh niên cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng phải đối diện với thách thức trong tiếp cận nguồn vốn; thị trường bất động sản, trái phiếu gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ nhưng chuyển biến chưa nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn…
Liên quan đến vấn đề tuyển dụng viên chức vào các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận cho rằng, việc tuyển dụng viên chức đối với địa bàn vùng cao đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi chỉ tiêu thì có nhưng lại không tuyển dụng được, dẫn đến nguồn nhân lực của vùng cao còn đang thiếu. Đại biểu kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực vùng cao tạo điều kiện trong việc tuyển dụng để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi thêm vấn đề này, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị, Chính phủ quan tâm có hướng mở, tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được tuyển sinh vào các trường dân tộc nội trú. Ngoài ra, cần có giải pháp giúp doanh nghiệp được tiếp cận các vốn vay, có giải pháp tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh…
Có giải pháp ngăn chặn sử dụng thuốc lá điện tử
Chia sẻ tại phiên thảo luận Tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, qua TXCT và khảo sát tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy, việc xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập vẫn là vấn đề được cử tri, Nhân dân hết sức quan tâm trong sắp xếp đơn vị hành chính.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho biết: dù không phải là nội dung mới nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn rất nhiều tài sản dôi dư đến nay vẫn chưa xử lý được. Nếu không có giải pháp căn cơ thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Một vấn đề nhức nhối trong thực tiễn hiện nay được người dân, nhất là các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm chính là tình trạng trẻ em vị thành niên phạm tội ngày càng tăng. Trước thực trạng trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có giải pháp quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng mạng xã hội, nhất là trong các trường học.
Bàn về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong sinh viên, học sinh, thậm chí là học sinh cấp 1 đang có chiều hướng gia tăng, đại biểu đề nghị, Chính phủ có đánh giá kỹ lưỡng và xác định sự nguy hại của thuốc lá điện tử để xây dựng giải pháp ngăn chặn, giải quyết căn cơ. Thậm chí, có thể tiến tới cấm việc sử dụng thuốc lá điện tử.